Bạn biết gì về dấu triện và con dấu trên gốm sứ? – DIVA Gốm Sứ

Đối với những người yêu thích sưu tập gốm sứ thì chắc hẳn không còn xa lạ gì với dấu triện và con dấu trên đồ gốm sứ, đặc biệt là những loại bình,vại, đĩa trưng bày, ấm tử sa,… Vậy xuất xứ, thời gian và ý nghĩa của nó là gì? Hãy cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu thêm về những dấu này nhé:

Dấu triện, nói nôm na dễ hiểu nhất là những văn tự được khắc lên tác phẩm, chủ yếu là với mục đích cho mọi người biết đến danh tính của nghệ nhân, thương hiệu, dòng gốm,… Con dấu cũng vậy, tương tự dấu triện, nhưng lại được sáng tạo ra để đóng lên sản phẩm với số lượng lớn nhằm để tiết kiệm thời gian. Triện – nói theo một cách đơn giản nhất đó là những văn tự được khắc lên trên đồ gốm sứ. Nội dung chủ yếu của triện thường là danh tính nghệ nhân. Ngoài ra, triện cũng có thể hàm ý dùng để chỉ niên khoản can chi, khoản đường danh trai hiệu, khoản giám định chế tạo, khoản thương hiệu, khoản thi từ cát ngôn (lời thơ mang ý nghĩa may mắn), khoản địa danh, khoản chữ số, tranh hình,… Chính vì vậy, dấu triện được coi là một bằng chứng rất quan trọng để xác định được niên đại và danh tính của nghệ nhân chế tá và cũng là căn cứ để người đam mê đồ cổ hiểu và nhận biết được giá trị văn hóa, cũng như giúp cho giới thương nhân định lượng được giá trị của đồ vật.

Dấu triện của Cố Cảnh Chu

Về phía con dấu thì con dấu được ra đời với mục đích thay thế dấu triện khi các sản phẩm gốm sứ được chế tác rất nhanh chóng và với số lượng rất lớn. Thay cho công đoạn ngồi tỉ mỉ, kỳ công khắc dấu triện thì người ta dùng con dấu để đóng trực tiếp lên sản phẩm cho tiết kiệm thời gian, công sức cũng như có thể thống nhất dạng thức hơn. Hình dạng con dấu cũng khá đa dạng từ hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình elip cho tới hình ngói úp, hình quả bí, hình rồng, hình lá,… Cũng như dấu triện, con dấu cũng có ý nghĩa rất quan trọng, được coi là tín chứng của những sản phẩm gốm sứ.

Con dấu của Lã Nghiêu Thần

Từ thời điểm Tử Sa được xem như một bộ môn nghệ thuật, thì trên các tác phẩm vẫn chưa hề lưu lại danh tính của các nghệ nhân. Có thể thấy rõ ràng là trên chiếc ấm Tử Sa mà Tư lễ thái giám Ngô Kinh Mạc tìm thấy ở Nam Kinh thời vua Gia Tĩnh không hề thấy có dấu triện.

Cho tới khi Cung Xuân chế tác ra ấm Thụ Anh, ông đã dùng một loại công cụ vẽ lên hai chữ “Cung Xuân” [供春] trên thân ấm. Đây chính là khởi nguồn cho sự xuất hiện dấu triện trên ấm Tử Sa. Mãi đến thời của Thời Đại Bân, thì niên khoản đã bắt đầu được khắc ở dưới đáy của những chiếc ấm Tử Sa như: “Canh Mậu đông nhật, Thời Đại Bân” [[庚茂冬日,时大彬].

Con dấu của Uông Dần Tiên

Vào thời đại của Trần Nghiên Viên, khi mà dấu khắc triện và con dấu cùng xuất hiện và được khắc dưới đáy ấm, thì sau đó người ta chỉ dùng con dấu mà không còn khắc triện nữa. Đến thời vua Càn Long, sau khi Trần Man Sinh tham gia trà nghệ, dấu triện không chỉ để khắc tên nghệ nhân làm ấm mà còn khắc trai danh thư Trần Man Sinh như: “Man Đà hoa quán”[曼陀花冠], “A Man Đà thất”[阿曼陀室], hay nghệ nhân Dương Bành khắc một con dấu ở dưới quai ấm và ở bên trong nắp ấm, còn trên thân ấm được khắc những họa tiết trang trí bằng thư họa và thậm chí có khắc cả tên thư họa gia trang trí ấm. Ngoài ra, cũng có một số chiếc ấm đặc biệt được khắc lên trên miệng ấm và phần trong đáy ấm có đóng con dấu nghệ nhân. Ngoài ra, ở đáy ấm cũng có đóng dấu và khắc triện như: “ Đại Thanh – Càn Long niên chế”[大清乾隆年制].

Dấu triện và con dấu không những chỉ thể hiện tài năng, sự điêu luyện, công phu mà còn là tính nghiêm ngặt trong cách bày trí về hình thức và cả nội dung. Triện và con dấu thường có một vài đặc điểm cơ bản sau:

  • Con dấu thường được chế tạo rất cầu kỳ, kỹ lưỡng. Những con dấu của các danh gia hoặc do chính tay họ chế hoặc mời chuyên gia điêu khắc giỏi, có phẩm vị nghệ thuật nhất định khắc dấu danh gia đó. Những đồ làm giả sẽ không thể được khắc dấu đạt được trình độ điêu luyện và cũng không toát lên được cái thần sắc nghệ thuật.
  • Hình thức của con dấu được bố trí hợp lý: Vị trí khắc con dấu được lựa chọn kỹ càng để đảm bảo sự hài hòa với chiếc ấm. Dấu triện của ấm Tử Sa hay được khắc ở 4 nơi:trong nắp ấm, đáy ấm, đáy quai ấm hoặc phần bụng ấm.
  • Kích thước triện thích hợp: Độ to nhỏ của con dấu, triện và kích thước thân ấm phải tương thích và hài hòa với nhau, ấm lớn triện lớn, ấm nhỏ triện nhỏ. Kích thước triện và các bộ phận khắc triện, con dấu cũng phải cân đối; triện ở đáy ấm so với triện ở nắp ấm, quai ấm phải tương đương với nhau về kích thước, còn nếu không đạt tiêu chuẩn đó thì chắc chắn là đồ giả.
Dấu triện của Ngô Vân Căn

Đình Quí (tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *