Bệnh sính ngoại – Vĩnh Long Online

Không biết tự bao giờ, trong đời sống tâm lý của một bộ phận người Việt Nam chúng ta đã tồn tại quan niệm là rất ưa dùng hàng nước ngoài và luôn lấy làm mãn nguyện và hãnh diện với mọi người về những thứ mà mình sở hữu có nguồn gốc nước ngoài đó. Cách đây gần một thế kỷ, trong tác phẩm “Tắt đèn”, nhà văn Ngô Tất Tố đã phê phán thói thích học đòi theo Tây của nhân vật Nghị Quế. Có lẽ chính vì cái danh từ “Tây” luôn gắn trên miệng mà ông Nghị đã trở thành một nhân vật khá điển hình cho cái bệnh “sính ngoại” của dân ta. Hiện tượng này có những biểu hiện phong phú và phổ biến hơn trong thời hội nhập, thông tin đa chiều như hiện nay.

Một biểu hiện của sự “sính ngoại” mà ta thường gặp là việc lạm dụng từ mượn có nguồn gốc nước ngoài. Ngày nay, tiếng Anh đã trở nên phổ biến và là một phương tiện hữu hiệu để truyền đạt thông tin. Và một hệ quả tất yếu là tiếng Anh đã được dùng một cách tùy tiện, tràn lan đã tạo ra những câu văn rối rắm, pha tạp và gây phản cảm cho người đọc, người nghe. Có rất nhiều từ nước ngoài chưa được Việt hóa song lại được sử dụng trong mọi tình huống, mọi đối tượng giao tiếp. Lại có những trường hợp trong khi tiếng Việt đã có từ ngữ biểu cảm và chính xác hơn nhưng nhiều người vẫn thích dùng từ mượn cho “sang trọng”, dường như tỏ vẻ ta đây cũng biết ngoại ngữ. Có người rất hay dùng tiếng Anh mà bản thân lại chưa được học thứ ngôn ngữ này một ngày nào và cũng chưa hiểu hết nghĩa của từ.

Một biểu hiện nữa là thích dùng hàng hóa ngoại nhập. Nhiều người thường có suy nghĩ rằng cứ là hàng nước ngoài thì sang trọng và chất lượng hơn nên chuyên dùng hàng ngoại. Hiển nhiên khi đã “sính ngoại” thì hay “bài nội”, không tiếc lời chê hàng hóa sản xuất trong nước mà không biết rằng có rất nhiều hàng hóa nội địa có giá rẻ hơn nhưng chất lượng cao hơn hàng ngoại nhập. Rồi trong các cuộc chuyện trò họ thường hãnh diện mang đồ dùng ấy ra khoe và giới thiệu xuất xứ, công dụng một cách tỉ mỉ, ra điều am hiểu lắm. Hài hước hơn nữa khi rõ ràng hàng hóa ấy được sản xuất trong nước nhưng chủ nhân lại cứ giới thiệu thao thao bất tuyệt là hàng nhập khẩu từ bên Mỹ, Nhật, Đức… cứ làm như mọi người mù tịt thông tin vậy!

Và còn bao nhiêu chuyện “sính ngoại” dở khóc dở cười nữa! Nhiều thanh niên thích mặc quần áo có in ngoại ngữ nhằng nhịt trên ngực, trên đùi trông rất chướng mắt mà nhiều khi không biết những từ ngữ đó có nghĩa rất dung tục. Rồi một bộ phận nữ thanh niên chạy theo mốt lấy chồng ngoại mà chưa biết rõ cuộc sống và số phận của mình khi sang bên ấy như thế nào?

Đành rằng cầu thị là điều chính đáng, cần được tôn trọng nhưng sự “sính ngoại” thái quá dù vô tình hay hữu ý đều đã làm mất đi niềm tự hào, tự tôn dân tộc và nhiều trường hợp còn gây ra những chuyện bi hài cười ra nước mắt. Thiết nghĩ, mỗi người Việt Nam ta cũng cần xem lại mình về vấn đề này!

TRẦN VĂN LỢI (Nam Định)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *