Nếu bạn là một người thích viết lách và ghi chú, chắc chắn bạn sẽ bị thu hút bởi loại nhật ký mới mẻ mang tên Bullet Journal. Bullet Journal được định nghĩa là một hình thức ghi chép sổ tay mà trong đó bạn sẽ ghi lại các mục tiêu ngắn và dài hạn của bản thân, danh sách các việc cần làm trong ngày (to-do list) theo một cách khoa học. Bullet Journal là một công cụ tuyệt vời có khả năng giúp bạn tối đa hóa sự hiệu quả trong công việc. Hãy cùng tìm hiểu về nó nhé!
Bullet Journal là gì?
Bullet Journal có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Nếu lần đầu tự tìm hiểu về chúng, bạn sẽ bị bối rối vì lượng thông tin về nó nhiều vô kể. Về bản chất, đó là một phương pháp ghi chép tương tự như tốc ký để bạn tự quản lý bản thân. Và một quyển Bullet Journal đơn giản chỉ là một quyển nhật ký hoặc sổ kế hoạch của bạn. Vậy nên, tùy vào sự thay đổi của bạn mà cách sử dụng Bullet Journal cũng sẽ thay đổi theo. Có thể nếu tháng tới bạn du lịch, Bullet Journal sẽ hỗ trợ bạn ghi chép lại những phụ kiện, vật dụng du lịch bạn cần đem theo. Hoặc, nếu bạn muốn lên kế hoạch cho các bữa tiệc chỉn chu hơn, bạn cũng có thể ghi chúng vào Bullet Journal nữa.
Một quyển Bullet Journal có thể được chia thành nhiều phần nhỏ khác nhau.
Rapid Logging
Vì ghi chú theo kiểu truyền thống khá mất thời gian và khiến bạn dễ dàng từ bỏ việc ghi nhật ký nên phương pháp Rapid Logging đã ra đời. Rapid Logging chính là nền tảng và là ngôn ngữ được sử dụng trong quyển Bullet Journal của bạn. Phương pháp này cho phép bạn ghi chú và theo dõi mọi thứ bạn đã ghi chép một cách nhanh chóng. Nó gồm có 4 yếu tố: tiêu đề, số trang, các câu ngắn và các ký hiệu (bullets). Mọi ghi chú bạn thực hiện thông qua phương pháp Rapid Logging phải thật ngắn gọn và khách quan.
Tiêu đề và số trang: Khi bắt đầu hành trình ghi chép Bullet Journal, việc đầu tiên bạn cần làm là thêm tiêu đề và số trang vào quyển nhật ký. Tiêu đề sẽ nằm ở một góc đầu trang giấy, nên nhớ nó phải ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể. Một khi bạn đã hoàn thành xong tiêu đề của mình, hãy viết số trang vào góc dưới bên phải trang giấy.
Các ký hiệu dùng để ghi chép, còn gọi là bullets sẽ giúp bạn phân biệt giữa sự kiện và công việc bạn cần làm.
– Các công việc (tasks): Được biểu thị bởi chấm tròn đầu dòng (•) và các câu lệnh như “Đi tới phòng tập gym”. Khi đã hoàn tất một công việc, hãy đánh dấu “X” trước câu lệnh đó, hoặc nếu bạn muốn dời thời gian thực hiện một task trễ hơn (ví dụ tuần sau), hãy dùng dấu “>”, hoặc khi bạn muốn dời hoàn thành công việc đó sớm hơn, dùng dấu “
– Sự kiện (events) thường được biểu thị bởi ký hiệu “O”. Những sự kiện nào có ngày tháng cụ thể có thể được đưa vào thời gian biểu hoặc xếp vào mục mục tiêu phải hoàn thành.
– Các ghi chú được biểu thị bởi dấu gạch đầu dòng “—”. Ghi chú đơn giản chỉ là thông tin mà bạn muốn ghi nhớ (ví dụ địa điểm của quán cà phê mà bạn muốn đến) nhưng vì nó không đòi hỏi hành động cụ thể nên bạn không cần đưa vào thời gian biểu của mình. Những ghi chú này cần sự nhanh chóng nên hãy ghi chúng một cách ngắn gọn nhất.
Khi bạn đã quen với phương pháp Rapid Logging, bạn có thể dùng nhiều biểu tượng khác để ký hiệu cho các ghi chú của bạn trong Bullet Journal. Bạn có thể dùng dấu sao (*) để biểu thị cho các công việc, sự kiện cần được ưu tiên hoàn thành đầu tiên, hoặc dấu chấm than (!) để biểu thị cho các công việc cần lưu ý kỹ. Để bản thân làm quen với các ký hiệu này, bạn nên dành một trang để chú thích chúng và hãy dùng trang đầu hoặc trang cuối của cuốn Bullet Journal nhé!
Một khi bạn đã thành thạo phương pháp Rapid Logging, bạn có thể chuyển tiếp tới bước xây dựng nội dung chính trong Bullet Journal của mình
Đây là bước khiến nhật ký của bạn trở nên sống động hơn. Nó đóng vai trò như một cái sườn, nơi bạn xây dựng các ghi chép của mình và giúp bạn sắp xếp thông tin một cách hợp lý trong Bullet Journal. Bạn có thể xây dựng nội dung tùy thích, nhưng hãy đảm bảo Bullet Journal của bạn bao gồm 4 phần chính sau: mục lục, nhật ký tương lai, nhật ký hàng tháng và nhật ký hàng ngày.
– Mục lục: Bạn nên dành vài trang đầu tiên cho phần mục lục của mình. Bạn sẽ liệt kê số trang của tất cả chủ đề trong Bullet Journal của mình. Nó tương tự như phần mục lục trong một quyển sách hay một cuốn tạp chí. Nếu có chủ đề nào bất chợt xuất hiện trong nhật ký, bạn cũng có thể đánh dấu trang đó bằng mục lục để tiện theo dõi.
– Nhật ký tương lai: Về cơ bản, đó là lịch trình cho những sự kiện sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới hoặc các mục tiêu dài hạn của bạn. Phần nhật ký tương lai có thể được viết trong vài trang hoặc bạn có thể phân chúng thành nhiều giai đoạn khác nhau, tùy vào sự tỉ mỉ mà bạn mong muốn ở cuốn nhật ký. Nhiều người sử dụng nó như một công cụ để xem xét lại một năm qua của mình.
– Nhật ký hàng tháng: Nhật ký hàng tháng giúp bạn sắp xếp các công việc cần làm trong một tháng. Vậy nên, thông tin cơ bản nhất bạn cần đưa vào là tên tháng ở đầu trang và tất cả các ngày trong tháng đó. Bạn có thể liệt kê theo thứ tự tên ngày + tên thứ vào một bên trái trang giấy. Ví dụ thứ Năm (Thursday) là ngày 7, bạn có thể dùng ký hiệu tắt 7T. Phần còn lại của trang có thể được dùng để liệt kê những công việc bạn muốn hoàn thành trong tháng đó hoặc các việc còn dang dở của tháng trước.
– Nhật ký hàng ngày: Nhật ký hàng ngày là công cụ mà bạn sử dụng thường xuyên nhất. Hãy thiết kế nó sao cho bạn có thể sử dụng nó mỗi ngày. Nhật ký hàng ngày cũng có các nội dung như bên nhật ký hàng tháng. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu viết tên ngày vào phần đầu trang, sau đó dùng phương pháp Rapid Logging để ghi lại các công việc, sự kiện, ghi chú cần thực hiện trong ngày. Tất nhiên bạn cũng có thể thay đổi và sáng tạo hình thức nhật ký theo ý thích.
Sau khi đã tạo ra 4 phần cơ bản trên, bạn có thể thêm vào bất kỳ nội dung nào mà bạn thấy cần thiết cho bản thân vào Bullet Journal của bạn
Đây là bước giúp bạn cá nhân hóa cuốn Bullet Journal của mình. ELLE có đề xuất vài ý tưởng sau để bạn thêm vào cuốn nhật ký nếu muốn:
- Nhật ký giảm cân
- Những cuốn sách đã đọc
- Kế hoạch detox
- Theo dõi sức khỏe tâm lý
- Danh sách những điều bạn cảm thấy biết ơn
- Nhật ký ngủ nghỉ
- Nhật ký chi tiêu
- Danh sách các vật dụng trong nhà cần mua
- Nhật ký ăn uống
- Các công việc nhà cần hoàn thành
- Danh sách các ý tưởng mới
- Những nơi bạn muốn du lịch
- Các ngày sinh nhật cần nhớ
Để giúp thiết lập thói quen viết Bullet Journal, hãy tự mua cho bản thân một quyển sổ đặc biệt và các bút lông màu khác nhau. Hơn nữa, hãy tự dành một khoảng thời gian trong ngày (10 – 20 phút) để tập viết nhật nhật ký nhé. Chắc chắn Bullet Journal sẽ là công cụ giúp bạn thay đổi bản thân một cách kinh ngạc đấy! Sau đây, ELLE sẽ đưa ra vài thiết kế Bullet Journal đẹp mắt trên Instagram để giúp bạn bước đầu lấy ý tưởng và cảm hứng nhé! Cùng bắt đầu thôi nào!
—
Peter Pan – Hội chứng của những người không chịu lớn
5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang cần một kỳ nghỉ thư giãn ngay lập tức