Giật gân, hay tiếng Anh là thriller, là thể loại phim đánh mạnh vào yếu tố hồi hộp, kịch tính. Trên thế giới, nhiều đạo diễn mang về các giải thưởng danh giá, doanh thu tỷ đô nhờ dòng phim giật gân như Denis Villeneuve, Alfred Hitchcock, Guillermo del Toro hay Bong Joon Ho.
Nhưng đó là câu chuyện của thế giới. Ở Việt Nam, dòng phim này liên tục gặp thất bại tại phòng vé, thậm chí nhiều tác phẩm nhận về phản hồi không mấy lạc quan từ thị trường.
Lý do lớn nhất khiến các nhà làm phim Việt e dè với giật gân chính là: Kịch bản.
Ngoại trừ dòng phim remake, kịch bản vẫn luôn là điểm yếu cố hữu của phim Việt. Nếu như với phim hài, kinh dị hay hành động có thể lấp liếm bằng các mảng miếng gây cười hay hù dọa để tạo ấn tượng và cảm xúc của khán giả, thì phim giật gân lại đòi hỏi trình độ của biên kịch ở mức cao mới có thể khiến khán giả thỏa mãn.
Kịch bản là thứ giúp Giao Lộ Định Mệnh thành công nhưng lại giống Shattered đến 70%. Lên án nạn ấu dâm nhưng [S.O.S] Sói Trắng sở hữu nội dung thiếu muối với những tình tiết ngây ngô không khác gì trò đùa. Thất bại của Lôi Báo đến từ phần kịch bản phim thiếu thuyết phục, nhàm chán. Trong khi đó, Người Bất Tử đẹp nhưng lại quá dài dòng, dàn trải và chưa đủ sự gắn kết. Nhiều nhân vật được dành cho quá nhiều lượng nhưng không mang lại hiệu quả. Số còn lại thì gây tiếc nuối khi không được khai thác sâu.
“Thriller là thể loại có cấu trúc kịch bản rất phức tạp, đòi hỏi tính chặt chẽ rất cao, nên cần biên kịch giỏi. Tìm kiếm một đạo diễn phù hợp cũng không phải là dễ. Cái khó tiếp theo là khâu casting vì đây là thể loại phim đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất rất cao, diễn viên cần có khả năng để thể hiện nhiều trạng thái tâm lý phức tạp trong cùng một nhân vật.” Will Vũ, nhà sản xuất của phim Chị Chị Em Em cho biết.
Trên thực tế, một vài phim giật gân Việt sở hữu ý tưởng tốt thì lại vấp ở tay nghề của đạo diễn. Dream Man là một cơn gió lạ của điện ảnh Việt với hàng loạt bất ngờ cài cắm lớp lang. Phim mang đến cái kết khó đoán và liên kết chặt chẽ. Song, ở nửa sau, phim vừa phải giải thích quá nhiều chi tiết xảy ra trước đó, vừa phải cố gắng mang đến thông điệp. Dream Man vô tình trở nên ôm đồm, dài dòng. Nhiều tình tiết chưa được giải thích kỹ lưỡng, thuyết phục, còn phần bài học thì vẫn quá giáo điều, kém hấp dẫn.
Sở hữu phần mở đầu hứa hẹn, Trái Tim Quái Vật rốt cuộc lại sa đà vào tình cảm. Thay vì dùng các thủ pháp tăng sự giật gân, phim bỗng dành quá nhiều thời lượng cho cuộc tình của hai nhân vật chính mà quên mất vụ án mạng. Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cũng để lộ tình tiết quan trọng từ sớm, khiến cái kết không còn hấp dẫn.
Bằng Chứng Vô Hình và Song Song đều là những phim có kịch bản ngoại khá thành công. So với Blind (2011) hay Mirage (2018), hai phim Việt đã có vài sự thay đổi nhưng vẫn chưa tạo được kịch tính và thành công như bản gốc.
“Phim thriller không chỉ khó ở thị trường Việt Nam mà cũng là thể loại rất thách thức với điện ảnh thế giới. Đây là thể loại cần kịch bản cực vững chãi, logic cao, câu chuyện thu hút, mà diễn xuất cũng phải tốt, cảm xúc phải thoả mãn, nhất là sự tò mò, căng thẳng và sự thoả mãn với cái kết hợp lý. Twist cũng phải được sử dụng khéo léo mới mang lại được kết quả, nếu không thậm chí sẽ gây chưng hửng. Phim hài đôi khi cần thật vui, phim drama cảm xúc thật tốt thì có thể phần nào thoả mãn khán giả và được bỏ qua những lỗi nhỏ; nhưng bất cứ lỗi lầm nào trong phim giật gân, từ diễn xuất, logic, hình ảnh, đều có thể khiến khán giả bị mất kết nối với câu chuyện; do vậy thể loại này khó được tha thứ hơn rất nhiều.” – đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho biết.
Trong phim giật gân, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều là những viên gạch lát nền để từ đó một công trình nguy nga được xây dựng . Hãy nhớ lúc ta lạc vào thế giới của Shutter Island, có phải nỗi sợ trong bạn cứ lớn dần trong cái bầu không khí hoang mang đặc quánh của hòn đảo, và những mẩu ký ức nhập nhằng đen tối của trại Dachau? Hay Gone Girl, mọi cảm xúc vỡ òa bàng hoàng khi nhìn thấy cái khóe miệng cười chiến thắng đầy kiêu ngạo của Amy xuất hiện? Tất cả đều là những bánh răng nhỏ, vận hành trơn tru, đẹp đẽ và tinh tế cho riêng cái việc đẩy cảm xúc của người xem lên tột độ. Khiến họ phải há hốc miệng kinh ngạc, hoặc bất giác đưa tay lên ôm ngực sau một cơn giật mình thon thót. Để rồi thuyết phục họ một cách đầy… ấn tượng rằng: “Trời đất! Tất cả hóa ra là như vậy!!!”
Nhìn lại nền điện ảnh thành công nhất châu Á là Hàn Quốc, phim Việt nói chung và phim giật gân Việt nói riêng có lẽ đã cách quá xa. Trong khi Parasite (2019) – tác phẩm hài-giật gân do Bong Joon Ho đạo diễn – đã chạm tay tới giải Oscar, thể loại thriller của Việt Nam vẫn chập chững với tương lai mịt mờ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào làn sóng Hàn Quốc, hay còn gọi là Hallyu vào những năm 1990.
Vào cuối những năm 1980, Hàn Quốc thoát khỏi thời kỳ kiểm duyệt, những hạn chế trước đây với phim nước ngoài đã được dỡ bỏ. Để bảo vệ các ngành nghệ thuật nước nhà và chống lại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á vào cuối những năm 1990, chính phủ đã đưa ra một số chính sách tập trung mạnh mẽ vào việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài. Đây là lúc các đạo diễn xứ sở kim chi tung ra những tác phẩm giật gân mang chủ đề mới lạ nhưng cực kỳ thâm sâu.
Park Chan Wook mang đến Oldboy (2003), Sympathy for Lady Vengeance (2005) và The Handmaiden (2016).
Bong Joon Ho có Memories of Murder (2003), The Host (2006) và Okja (2017).
Kim Jee Woon có A Tale of Two Sisters (2003) và I Saw the Devil (2010).
“Nền công nghiệp điện ảnh Hàn đã quá phát triển nên họ có khả năng thực hiện tốt thể loại này trong tất cả mọi khâu, từ biên kịch đến đạo diễn và cả diễn xuất đều ở mức rất cao. Sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc đã đi trước Việt Nam hàng chục năm, không chỉ trong thể loại thriller mà cả ở các thể loại khác như lãng mạn, hài.” – nhà sản xuất Will Vũ của phim Chị Chị Em Em chia sẻ quan điểm.
Phim giật gân Hàn Quốc được biết đến với việc thường xuyên khám phá mặt tối của trải nghiệm con người. Các bộ phim khó có thể đoán trước, thường pha trộn sự hài hước đen tối với các yếu tố bạo lực cực độ, kỹ xảo điện ảnh và giá trị sản xuất cao. Nhiều tác phẩm trong số đó kể về những câu chuyện trả thù đầy tàn bạo.
Không né tránh những chủ đề gây tranh cãi hay thách thức khán giả, phim Hàn Quốc dám lấn sân sang những nơi mà thậm chí cả phương Tây đôi khi còn sợ hãi. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi họ đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng và sự ngưỡng mộ của các nhà làm phim như Quentin Tarantino – người đã so sánh Bong Joon Ho với Steven Spielberg trong thời kỳ đỉnh cao.
“Có thể người Hàn trong tính cách đã có sự quyết liệt, cực đoan hơn người Việt nên cả đạo diễn lẫn người xem đều chờ đợi những tác phẩm điện ảnh đậm chất bạo lực, tàn khốc có thể gây sốc cả Hollywood.” – đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết.
Chia sẻ về tiềm năng của thể loại này ở Việt Nam, đạo diễn Hữu Tấn cho biết: “Dòng phim giật gân khó có thể tạo được những ‘cú nổ’ phòng vé vài trăm tỷ, nhưng doanh thu khá ổn định, khả năng thu hồi vốn đầu tư cao. Lượng khán giả của dòng phim này tại Việt Nam khá khó tính, vì họ đã được xem nhiều bộ phim đình đám khác của thế giới, nên nhà sản xuất chỉ có hai lựa chọn: một là tiệm cận chất lượng với sản phẩm quốc tế, hai là khai thác những đề tài mới mẻ”. Ngoài ra, những bộ phim thuộc thể loại này thiên về sự suy luận, đòi hỏi khán giả phải tập trung theo dõi và suy luận. “Các nhà làm phim cũng chật vật trong việc giữ cho bộ phim dễ hiểu, không quá thách đố với khán giả đại chúng nhưng ngược lại không quá đơn giản, sa đà giải thích với những khán giả đã quen thuộc với thể loại này.” – một biên kịch yêu thích dòng phim giật gân cho biết.
Các khán giả yêu thích dòng phim giật gân thường có xu hướng chọn các hệ thống trực tuyến để theo dõi các bộ phim giật gân. Sự lựa chọn không chỉ nhiều hơn mà mặt bằng chung chất lượng cũng đảm bảo hơn phim Việt. Đơn cử như thay vì xem Song Song, người ta sẽ chọn Mirage (2018) của Oriol Paulo.
Sau nhiều thất bại, dòng phim giật gân có lẽ vẫn là miếng bánh khó nuốt của điện ảnh Việt. Song, không vì thế mà các đạo diễn chùn chân. Tới đây, Victor Vũ sẽ cho ra mắt tác phẩm mới nhất thuộc chủ đề này là Thiên Thần Hộ Mệnh. Bẫy Ngọt Ngào, Vô Diện Sát Nhân, Rừng Thế Mạng cũng mang nhiều màu sắc giật gân. Tuy nhiên, phim có thành công hay không vẫn còn là ẩn số khó đoán.
Trong số này, Thiên Thần Hộ Mệnh đang là bộ phim được mong đợi bởi Victor Vũ tái xuất với những câu chuyện đen tối về chốn showbiz. Anh vốn là cái tên bảo chứng cho loạt phim giật gân Việt chất lượng như Giao Lộ Định Mệnh, hai phần Scandal hay Quả Tim Máu. Nhưng hai phim ghi dấu ấn gần đây của anh lại là chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
“Tiềm năng lớn nhất đang ở việc các nhà làm phim trẻ đang ngày càng đam mê thể loại này, và sau một số thành công từ những đàn anh như Victor Vũ, các nhà đầu tư cũng đang sẵn sàng thử nghiệm những cuộc chơi mới. Phượng cũng kỳ vọng sẽ sớm có những sản phẩm thriller chất lượng cao nữa để củng cố niềm tin cho khán giả.” – Vũ Ngọc Phượng cho biết.
Dù thừa nhận thể loại thriller là một thể loại khó tại thị trường Việt Nam, nhưng nhà sản xuất Will Vũ vẫn đang ấp ủ cho một dự án mới sau Chị Chị Em Em.
Hay như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Thriller chắc chắn là thể loại khó ở Việt Nam, nhưng nhà sản xuất và đạo diễn thích làm, muốn làm thì hãy cứ làm!”.
Không một con đường nào thành công nếu thiếu đi những người dẫn đầu. Dù chưa có những cái tên quá đình đám, nhưng chất lượng của những bộ phim giật gân đang ngày một tăng lên, và những câu chuyện được tiếp cận cũng trở nên vô cùng đa dạng. Đây chắc chắn là một lãnh địa khó nhằn với bất cứ nhà sản xuất, đạo diễn hay biên kịch nào. Thế nhưng, đó cũng sẽ là một thử thách ngọt ngào cho những ai muốn tạo ra những giá trị mới cho làng điện ảnh trẻ trung của Việt Nam.