Đắc đạo (得道) theo giải nghĩa của một số từ điển là: Tu hành đạt được lẽ đạo. Trong tiếng Việt, từ ghép này hiểu gần như các từ “hiền triết, hiền tài” – tức người hiểu đến tận cùng cái lẽ của vạn vật. Lưu ý, âm “hiền” trong tiếng Hán không chỉ có nghĩa là hiền lành, không ác mà còn hàm chứa cả nghĩa là có tài năng và hiểu biết rộng.
Về ý tứ thì “đắc đạo” hiểu gần như một câu của Khổng Tử – trong bộ những câu – nói về cuộc đời một con người: “Ngũ thập, nhi tri thiên mệnh” – tức người 50 tuổi hiểu được thiên mệnh của mình và người xung quanh. Câu trước đó là: “Tứ thập, nhi bất hoặc” – tức người 40 tuổi thì không còn nghi hoặc, vì đã hiểu mình, hiểu đời.
Đắc đạo theo tôi không chỉ có trong phạm vi của Phật giới, vì không chỉ có các nhà sư mới tu. Tu là sửa, người tu là người sửa mình. Trải nghiệm, đúc rút và nghiền ngẫm để ngộ ra chân lý, những điều đúng đắn. Chân lý đơn giản chứ chẳng cầu kỳ. Nên người tu hành là người bỏ đi những thứ cầu kỳ, diêm dúa để trở nên đơn giản, giản dị.
Tìm ra được con đường Đắc đạo theo tôi không chỉ là hiểu được tận cùng lẽ đạo, mà còn là “tìm ra được con đường” cho mình. Đắc là được, đạo là con đường. Người tìm ra được con đường cho mình thì người ta không vội vã, không hối hả, không còn muốn ôm đồm hay kiểm soát mọi thứ. Trần ai khổng lồ, sức mình quản được bao nhiêu?
Cũng như sự thành công – đắc đạo không phải là một đích đến, một cái cúp vàng hay một chiến thắng nào đó, mà đắc đạo là một con đường. Khi đã tìm ra được con đường cho mình, thì khi đi trên con đường đó người ta sẽ có những thành quả. Tập hợp những thành quả lại gọi là sự nghiệp. Cho nên, nhiều người đắc đạo khi còn rất trẻ.
Những thần đông âm nhạc hay hội họa sáng tạo khi còn rất nhỏ. Sinh ra đã biết, họ tạo ra những tuyệt phẩm kinh điển, bất hủ… Người nào có tài năng thiên bẩm trong một lĩnh vực nào đó, lại được phát hiện ra sớm, thì đó sẽ là một điều kỳ diệu. Không chỉ trong các lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực thể thao cũng có rất nhiều thiên tài.
Thế nào là đắc đạo? Tôi thường không kể chuyện hư cấu để khuyên răn người khác, nhưng trường hợp này là một ngoại lệ. Dưới đây cũng không phải câu chuyện kể để khuyên răn, mà là để cười. Không hiểu vì sao nó cứ ở trong tâm thức của tôi và bật ra khi bàn về chuyện đắc đạo. Dưới đây chỉ là một câu chuyện cười:
Ở một ngôi làng nọ có tin đồn là vị cao tăng trên chùa gần làng đã tu hành đắc đạo. Một ông trong làng nghe thấy, bèn quyết định lên chùa xem có thật không và thỉnh giáo nhà sư xem đắc đạo là gì. Lên đến chùa, sau làm xong các thủ tục, ông đến bên nhà sư hỏi: – Bạch thầy, dưới làng có tin đồn là thầy đã đắc đạo, có phải không ạ? – Mô phật, bần tăng không dám nhận, nhưng ngộ ra lẽ đạo thì có. – Vậy trước khi thầy đắc đạo thì như thế nào và thầy làm gì? – Mô phật, bần tăng gánh nước, chặt củi và nấu cơm. – Vậy sau khi thầy đắc đạo thì như thế nào và thầy làm gì? – Mô phật, bần tăng vẫn gánh nước, chặt củi và nấu cơm. – Thế mà cũng gọi là đắc đạo à, vậy chứ đắc đạo là gì? – Trước đây, khi bần tăng gánh nước thì nghĩ đến chặt củi, khi chặt củi thì nghĩ đến nấu cơm và khi nấu cơm lại nghĩ đến gánh nước. Còn bây giờ bần tăng gánh nước là gánh nước, chặt củi là chặt củi và nấu cơm là chỉ nấu cơm.