Dân phòng – Họ là ai?
Trước tiên, cần khẳng định rằng, hiện nay pháp luật chưa có quy định thống nhất, đầy đủ về lực lượng dân phòng. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001:
Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.
Theo đó, có thể thấy, dân phòng có 02 nhiệm vụ chính:
– Tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
– Giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.
Qua tìm hiểu, hầu hết các địa phương mặc dù có thành lập lực lượng dân phòng nhưng về cơ bản đều do lực lượng bảo vệ dân phố hoặc Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (tức là một người đảm nhận 02 nhiệm vụ).
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì dân phòng còn thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những nhiệm vụ này có tính chất tương đồng so với nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách.
Cụ thể, Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP quy định quyền hạn của bảo vệ dân phố như sau:
– Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.
– Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù lực lượng dân phòng khá giống với bảo vệ dân phố hay Công an xã bán chuyên trách nhưng họ không phải là một.
Trước đây, Bộ Công an đã có dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, dự kiến gọi chung lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Tuy nhiên, đến nay dự thảo này vẫn chưa được thông qua.
Dân phòng có được xử phạt giao thông không?
Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định, cảnh sát giao thông là lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình…
Trường hợp cần thiết huy động các lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) và Công an cấp xã phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định sau:
– Phải có quyết định hoặc kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Nội dung quyết định hoặc kế hoạch phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an cấp xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát;
– Trước khi thực hiện, phải quán triệt cho các lực lượng tham gia nắm vững các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; quy định về tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; nội dung kế hoạch; phương án, kỹ năng giải quyết, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, lực lượng dân phố không có thẩm quyền xử phạt giao thông.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Bảo vệ dân phố được phép xử phạt vi phạm giao thông?
>> Năm 2021, Cảnh sát cơ động được phạt lỗi nào?
>> Công an phường được phạt những lỗi gì theo Nghị định 100?