Nếu bạn đang có ý định tìm mua một chiếc laptop hoặc muốn tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất máy tính thì không thể không biết GHz là gì. Nhiều bạn có thói quen dùng GHz để so sánh hiệu năng hoạt động của các máy tính khác nhau và từ đó đưa ra quyết định mua máy. Đây có thể sẽ là một quyết định sai lầm nghiêm trọng. Vì sao vậy? Hãy cùng BizFly Cloud tìm hiểu sâu hơn về GHz cũng như ý nghĩa thực sự của chỉ số này nhé!
GHz là gì?
GHz là viết tắt của gigahertz (đọc là ghi-ga-héc), nó là đơn vị đo tần số dao động (số lần dao động trong một giây) của một vật nào đó.
Ví dụ: 1 GHz sẽ tương đương với một tỉ dao động trên một giây.
Trong khoa học máy tính thì GHz là một đơn vị dùng để đo lường xung nhịp (tốc độ xử lý) của CPU. Xung nhịp thể hiện số chu kỳ dao động của CPU trong một giây.
Ví dụ: 1 CPU có xung nhịp là 2,4 GHz tức là nó có thể thực hiện được 2.400.000.000 chu kỳ mỗi giây.
Bạn có thể hình dung rằng để xử lý các chương trình đang chạy trên máy tính, CPU sẽ tiến hành các chu kỳ dao động liên tục, thực hiện được càng nhiều lần dao động trong một giây thì máy tính sẽ hoạt động càng nhanh hơn, các chương trình sẽ chạy mượt mà hơn. Đó cũng chính là lý do mà nhiều người nhìn vào tốc độ xử lý CPU để đo lường hiệu suất máy tính, số GHz càng lớn thì máy tính hoạt động càng hiệu quả. Liệu điều này có thực sự chính xác? Hãy đọc hết bài viết để có câu trả lời nhé!
Làm thế nào để biết xung nhịp CPU là bao nhiêu GHz?
Việc này khá đơn giản khi bạn đi mua những chiếc máy tính mới. Hầu hết các thông số về cấu hình sản phẩm đều được ghi rõ trên hộp đựng hay các nhãn dán trên sản phẩm. Tuy nhiên nếu bạn mua laptop cũ thì có thể những thông tin này không còn nữa. Hoặc bạn mua máy đã lâu nhưng không biết GHz là gì cho đến khi đọc được bài viết này và giờ đây bạn muốn kiểm tra nó thì có thể làm như sau:
Trên màn hình desktop của bạn sẽ có biểu tượng My Computer hay Computer hoặc This PC (tùy vào phiên bản hệ điều hành bạn đang sử dụng). Hãy bấm chuột phải vào biểu tượng đó rồi chọn Properties. Lúc này bạn sẽ thấy bảng tổng quan về thông số máy tính của mình được hiện lên bao gồm hệ điều hành, thông tin về CPU, RAM…. Hãy để ý phần Processor, nó sẽ hiển thị tên chip và xung nhịp CPU (GHz) của bạn.
Ngoài cách trên thì để kiểm tra xung nhịp máy tính của bạn là bao nhiêu GHz, bạn có thể vào Start, chọn Run (hoặc bấm combo phím Windows R). Sau khi hộp thoại Run hiện lên hãy nhập “dxdiag” và ấn Enter. Cuối cùng cửa sổ DirectX Diagnostic Tool sẽ hiện lên và cung cấp cho bạn một loạt thông tin về máy tính. Trong đó thông tin về xung nhịp CPU nằm ở mục Processor.
Đánh giá hiệu suất máy tính liệu có nên dựa vào GHz (xung nhịp CPU)?
Nhiều người thường nhìn vào xung nhịp CPU để đánh giá hiệu suất đại loại như GHz càng cao thì càng tốt, máy hoạt động sẽ càng nhanh, chơi game càng mượt… Điều này chỉ đúng khi bạn đang cân nhắc mua hai chiếc máy tính có cùng dòng chip xử lý và chỉ khác mỗi yếu tố xung nhịp. Chẳng hạn như, có hai chiếc laptop cùng sở hữu chip Intel core i5 thuộc thế hệ thứ 2 (Sandy Bridge) nhưng một chiếc thì xung nhịp là 2.4 GHz, chiếc còn lại là 3.6 GHz. Rõ ràng, máy tính có xung nhịp 3.6 GHz đó sẽ hoạt động mượt mà hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với cái còn lại.
Tuy nhiên, nếu đem so máy tính sở hữu chip Intel core i5 (thế hệ 2) 3.6 GHz với CPU Intel core i7 (thế hệ 2) 3.0 GHz thì rõ ràng core i5 không thể sánh bằng dù có xung nhịp lớn hơn. Bởi lẽ CPU càng nhiều lõi (core) thì khả năng xử lý của nó càng mạnh hơn gấp nhiều lần. Không chỉ là về lõi, nếu đem so CPU chip Intel core i5 (thế hệ 2) 3.6 GHz với chip core i5 (thế hệ 9) 3.0 GHz thì có thể nói CPU thế hệ thứ 5 đó không thể sánh bằng với dòng chip thế hệ mới nhất hiện tại của Intel. Dù dòng CPU thế hệ mới này có số chu kỳ dao động trong một giây (GHz) thấp hơn, nhưng chúng lại có thể đảm nhiệm nhiều tác vụ cùng lúc hơn trong mỗi chu kỳ dao động. Và chính điều này làm cho các chip thế hệ mới mạnh mẽ hơn nhiều dù xung nhịp có thể không bằng các CPU đời cũ (như hình bên dưới).
Hơn nữa, các chip đời mới dù tốc độ xử lý của CPU thấp hơn nhưng có hiệu năng cao hơn, điều này dẫn đến máy tính của bạn sẽ tỏa ra ít nhiệt hơn khi làm việc. Và vì thế giúp bạn tiết kiệm nhiều năng lượng điện (pin) hơn.
Như vậy, việc mua laptop hay đánh giá hiệu năng máy tính dựa trên xung nhịp CPU (GHz) chỉ hoàn toàn đúng đắn khi đang so sánh các dòng chip thuộc cùng thế hệ, cùng lõi. Tuy nhiên, số core (lõi) và thế hệ CPU là yếu tố quan trọng hơn cả khi so sánh giữa các CPU không cùng loại.
Trên đây là một vài thông tin cơ bản về tốc độ xử lý của máy tính trong mối quan hệ với hiệu suất làm việc của máy. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được GHz là gì và hiểu rằng ta không nên chỉ dựa vào yếu tố này để chọn mua laptop, đó có thể là một quyết định sai lầm… Hãy để lại email của bạn bên dưới để được cập nhật những bài viết hữu ích về công nghệ từ BizFly Cloud nhé!
Theo BizFly Cloud tìm hiểu