Nhà văn Kim Dung có lẽ là người có trí tưởng tượng siêu phàm khi sáng tác ra nhiều tác phẩm kiếm hiệp kinh điển. Những tác phẩm của ông khi dựng thành phim đều được khán giả đón nhận. Địa danh Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự vì thế mà cũng nổi tiếng theo. Tuy nhiên, thực tế ngoài đời nơi đây chỉ là một gian tháp khổng lồ được xây dựng bởi các cao tăng Thiếu Lâm.
Tàng Kinh Các phục vụ việc lưu trữ kinh phổ. Thực chất nó hoàn toàn không ẩn chứa bất kỳ một bí kíp võ công nào như nhiều lời đồn đoán. Tuy nhiên với nhà văn Kim Dung, ông đã rất sáng tạo khi đưa địa danh này vào bối cảnh các bộ tiểu thuyết của mình và tô vẽ nó trở thành nơi chứa đựng bí mật bí kíp võ công toàn giang hồ.
Địa danh Tàng Kinh Các được miêu tả và đề cập rõ ràng nhất từ bối cảnh bộ tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ”. Ông mô tả đây là nơi hàm chứa rất nhiều bộ tuyệt kỹ võ công mà Thiếu Lâm Tự chưa từng công bố ra bên ngoài giang hồ.
Mặt khác, nó cũng là nơi các vị thiền sư Thiếu Lâm đời trước cất giữ những bí kíp võ công thuộc hàng ma đạo, bởi lo sợ rằng nếu để chúng lang bạt ra bên ngoài sẽ gây đại họa đổ máu cho toàn võ lâm.
Trong thế giới kiếm hiệp của mình, Kim Dung cũng miêu tả Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự là một gian tháp cao lớn, bề ngoài có thể nhìn rất bình thường nhưng một khi bước vào bên trong, bất kỳ ai cũng ngay lập tức chịu cảm giác lạc vào một mê cung với hàng ngàn pho sách, càng tò mò dấn thân càng khó bề tìm lại đường thoát ra bên ngoài.
Tàng Kinh Các được canh giữ ngày đêm bởi một vị danh sư bí ẩn tên Giác Viễn, ông còn được biết đến với danh hiệu “Tảo Địa Tăng” do quanh năm suốt tháng không rời khỏi Tàng Kinh Các nửa bước, chỉ bầu bạn với một chiếc chổi làm công việc quét lá khô xung quanh khu vực tháp.
Tăng sư Giác Viễn cũng là nhân vật đầu tiên trong truyện Kim Dung đã phát hiện ra Cửu Dương Thần Công và Lăng Già Kinh – hai bộ tâm pháp Thiếu Lâm được viết bằng chữ Phạn do Đạt Ma sư tổ để lại.
Trong nhiều câu chuyện khác, Tàng Kinh Các còn được Thiếu Lâm Tự sử dụng làm nơi giam phạt những đệ tử Phật gia ngỗ nghịch, phạm tội nặng, họ được đưa vào đây để học lại kinh phổ, tự uốn nắn lại bản thân.
Trong lịch sử bối cảnh giang hồ kiếm hiệp được nhà văn Kim Dung tô vẽ tài tình, Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự đã có tổng cộng 3 lần bị người trên giang hồ phát giác bí mật về những bộ võ công nó đang cất giấu, từ đó nhiều người đã bí mật tìm tới đây để mong trộm về được những loại bí kíp độc môn, giúp mình trở thành những cao thủ uy chấn trên giang hồ.
Tình tiết từ truyện Thần Điêu Hiệp Lữ có kể lại rằng, hai nhân vật Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử trong thời gian tạm nương thân ở Thiếu Lâm Tự đã cùng bàn nhau ăn trộm bộ bí kíp võ công Cửu Dương Thần Công. Sự tình ngay sau đó đã được tăng sư Giác Viễn phát hiện và đuổi theo, nhưng ông đã không đoạt lại được cuốn bí kíp này. Từ đó, các bộ võ công bị đánh cắp khỏi Tàng Kinh Các đều sớm thất lạc trên toàn giang hồ, mỗi lần xuất hiện là lại được các bậc cao thủ sử dụng tâm pháp để tạo thành một loại võ công mới, tiếp tục lưu truyền võ lâm gây ra những hệ quả tốt – xấu khác nhau.
Mặc dù vậy, đó tất cả chỉ là sự hư cấu do chính Kim Dung dựng nên. Thực chất, Tàng Kinh Các không ẩn chứa nhiều tuyệt kỹ võ công như nhiều người vẫn đồn đại.