Kỹ sư hàng không vũ trụ – Hướng nghiệp 4.0

Kỹ sư hàng không vũ trụ – họ là ai?

Kỹ sư hàng không vũ trụ có thể được hiểu là một kỹ sư đa lĩnh vực như kỹ sư máy bay, kỹ sư tên lửa hay kỹ sư nghiên cứu về các thiết bị vũ trụ như vệ tinh hay tàu vũ trụ. Họ có thể chuyên về một lĩnh vực cụ thể như động cơ đẩy, hệ thống điện tử hay khí động học, vật liệu và cấu trúc… Họ là người áp dụng những nguyên tắc, quy luật khoa học và công nghệ để nghiên cứu, thiết kế và phát triển đồng thời duy trì và kiểm tra các thiết bị vũ trụ như vệ tinh, tên lửa, tàu bay dân dụng và quân sự, phương tiện trong không gian. Họ cũng làm việc với các thành phần tạo nên các máy bay hay hệ thống kể trên.

Kỹ sư hàng không vũ trụ là người đóng vai trò nâng cao sự an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, tốc độ, trọng lượng và quản lý chi phí bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vai trò của họ cũng bao gồm việc giải quyết các tác động đối với môi trường của ngành hàng không. Tóm lại, một cách ngắn gọn, kỹ sư hàng không vũ trụ giải quyết các vấn đề về thiết kế và chế tạo các phương tiện có thể bay. Khi công nghệ phát triển, sự chuyên môn hóa rõ rệt hơn, hai chuyên ngành sâu hơn lại xuất hiện: ngành kỹ sư hàng không liên quan đến việc thiết kế máy bay, phản lực, máy bay trực thăng – những phương tiện bay trong không gian trái đất và ngành kỹ sư vũ trụ tập trung vào việc thiết kế và phát triển tàu vũ trụ – các phương tiện bay ngoài không gian trái đất.

Công việc của kỹ sư hàng không vũ trụ

Là một kỹ sư hàng không vũ trụ, bạn phải nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo, thử nghiệm và điều chỉnh, bảo dưỡng các loại máy bay, tàu vũ trụ, các bộ phận, hệ thống và công nghệ liên quan. Công việc cụ thể gồm có:

  • Đánh giá các yêu cầu thiết kế, nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật thiết kế, thực hiện các thiết kế và quy trình kiểm tra.
  • Thỏa thuận ngân sách, thời gian biểu và thông số kỹ thuật với khách hàng.
  • Tiến hành các nghiên cứu lý thuyết và thực tế.
  • Đo lường, cải thiện hiệu suất hoạt động của máy bay, các bộ phận hợp thành và hệ thống.
  • Tham gia vào các chuyến bay thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá, sửa đổi các sản phẩm thử nghiệm khi có vấn đề phát sinh.
  • Viết báo cáo và các tài liệu hướng dẫn.
  • Tư vấn kỹ thuật, pháp lý cho khách hàng, nhà cung hay các chuyên gia khác.
  • Phân tích các dữ liệu, áp dụng các quy tắc khoa học và công nghệ để chế tạo máy bay, các bộ phận hợp thành và thiết bị hỗ trợ. Giám sát việc lắp ráp, lắp đặt.
  • Quản lý dự án, phân chia nguồn lực, lập kế hoạch và quản lý chi phí.

Kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc ở đâu?

Kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc trong các ngành công nghiệp cần tới người thiết kế hoặc chế tạo máy bay, tên lửa hay hệ thống phòng thủ quốc gia. Họ làm việc chủ yếu trong ngành thiết kế, phân tích và sản xuất, các ngành công nghiệp thực hiện việc nghiên cứu và phát triển hay các cơ quan chính phủ.

Nước ta có một số cơ sở chính về việc nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật hàng không vũ trụ như Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam,…

Các kỹ sư hàng không vũ trụ dành hầu hết thời gian làm việc trong môi trường văn phòng. Phần lớn công việc của họ là sử dụng các phần mềm máy tính nâng cao để thiết kế các bộ phận, các hệ thống trong máy bay và làm các mô hình thử nghiệm xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong môi trường thực tế.

Ngoài làm việc tại các văn phòng, các kỹ sư hàng không vũ trụ tham dự các hội thảo có liên quan tới ngành hoặc tại phòng thí nghiệm hàng không. Họ cũng có thể tham dự các hội thảo, cuộc họp tại địa phương hoặc quốc tế nếu có hợp tác cùng các đối tác hay tập đoàn quốc tế do việc phát triển công nghệ và sản phẩm mới đòi hỏi phải làm việc nhiều với đối tác nước ngoài.

Hầu hết các kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc toàn thời gian, tuy nhiên, đây là công việc luôn bị thúc giục bởi deadline, và thông thường phải làm thêm ngoài giờ khi deadline đến gần. Các kỹ sư phụ trách các dự án và giám sát các nhân viên khác thường phải làm việc chăm chỉ kín lịch để đảm bảo tiến độ công việc theo đúng kế hoạch.

Mức lương ngành kỹ thuật hàng không

Mức lương ngành kỹ thuật hàng không tương đối cao so với mặt bằng chung các ngành khác. Thu nhập trung bình của một kỹ sư hàng không từ 10 – 15 triệu/tháng, nếu ở cấp quản lý mức lương sẽ dao động từ 20 – 30 triệu/tháng hoặc cao hơn nữa.

Những tố chất phù hợp với ngành hàng không vũ trụ

Để thành công trong ngành kỹ thuật hàng không, đòi hỏi kỹ sư hàng không vũ trụ cần có những tố chất và kỹ năng sau:

  • Kỹ năng áp dụng các kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật vào thực tiễn;
  • Có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm;
  • Có khả năng ngoại ngữ, tin học;
  • Chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại;
  • Có tinh thần trách nhiệm, chịu được áp lực công việc cao;
  • Cẩn thận, tỉ mỉ và sáng tạo…

(Nguồn: megastudy)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *