Khi tiến hành vay vốn thế chấp, việc lựa chọn phương thức trả lãi hợp lý là điều rất quan trọng. Tuy nhiên để thực hiện được điều đó nhằm tối ưu hóa phương án cho vay đồng thời tránh được những rủi ro đáng tiếc về lãi suất lại là điều không hề đơn giản.
Vậy thế nào là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi ?
1. Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là lãi suất được ấn định ở một mức cụ thể trong hợp đồng vay vốn. Hình thức này không chịu tác động của những biến động lãi suất thị trường. Lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay thế chấp tại ngân hàng và thông thường áp dụng trong cho vay ngắn hạn.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Tiến vay số tiền 15 triệu trong vòng 2 năm với mức lãi suất cố định là 12%/ năm. Như vậy: Số tiền (gốc + lãi)/tháng = 15tr/24tháng(tiền gốc) + 15tr * 1%/tháng(tiền lãi), và tháng nào anh Tiến cũng đóng số tiền đó trong 2 năm.
2. Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo định kỳ nên sẽ thay đổi theo thời gian. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh lãi suất sẽ theo thỏa thuận giữa người vay và ngân hàng (theo quy định của pháp luật) và được ghi rõ trên hợp đồng vay vốn. Lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu hoặc theo chỉ số lạm phát nên nó không cố định trong suốt thời hạn vay. Thông thường, kỳ hạn điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/ lần, 6 tháng/lần hoặc có thể 12 tháng/lần.
Ví dụ: Anh Trần Ba Duy vay thế chấp số tiền 15 triệu đồng trong 2 năm với mức lãi suất 0,8%/tháng trong vòng 6 tháng đầu. Sau 6 tháng đó lãi suất sẽ thả nổi.
Theo như cách tính lãi suất trả góp thì số lãi suất anh Duy phải đóng mỗi tháng trong 6 tháng đầu sẽ là: 15tr/24 tháng + 15tr*0,8%. Nếu so sánh với anh Tiến ở trên, số tiền phải đóng mỗi tháng trong 6 tháng đầu của khách hàng Duy sẽ nhỏ hơn.
Tuy nhiên, sau 6 tháng, số tiền anh Duy phải đóng sẽ chưa thể xác định được cụ thể nhưng thường sẽ cao hơn. Chính vì thế nếu vay trong một thời gian dài, rủi ro cho anh Duy là có thể xảy ra.
Ưu nhược điểm của lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.
1. Lãi suất cố định
Ưu điểm:
- Dự tính được chính xác số tiền lãi phải thanh toán cho ngân hàng suốt thời gian vay thế chấp, từ đó tạo thuận lợi trong kế hoạch quản lý cũng như cân đối tài chính cho khách hàng.
- Không bị tác động do những biến động lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp lãi suất thị trường tăng so với thời điểm vay thì khách hàng sẽ có lợi nhiều hơn vì số tiền mà khách hàng phải trả cho ngân hàng vẫn không thay đổi theo lãi suất cũ.
Nhược điểm:
- Ngược lại, lãi suất biến động giảm so với thời điểm khách hàng vay thế chấp thì khách hàng vẫn phải thanh toán lãi cho Ngân hàng theo lãi suất cũ, cao hơn lãi suất của thị trường thời điểm đó, vì thế bạn sẽ là người chịu thiệt.
2. Lãi suất thả nổi
Ưu điểm:
- Áp dụng lãi suất thả nổi trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều biến động cũng là điều hợp lý. Vì khi lãi suất thị trường biến động giảm thì số tiền lãi khách hàng thanh toán cho ngân hàng trong kỳ điều chỉnh sẽ thấp hơn.
Nhược điểm:
- Chọn lãi suất thả nổi giống như “con dao hai lưỡi”. Khi lãi suất thị trường giảm thì sẽ rất tốt nhưng khi lãi suất thị trường biến động tăng so với thời điểm vay thì số tiền lãi vay thế chấp của khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng sẽ nhiều hơn (vì phải chịu điều chỉnh mức lãi suất cao hơn). Mặt khác khi lựa chọn hình thức thả nổi, khách hàng thường chỉ dự tính được chính xác số tiền lãi phải thanh toán cho ngân hàng trong kỳ đầu tiên (nếu không tính khuyến mãi), bắt đầu kỳ thứ 2 trở đi lãi suất thay đổi theo thị trường vì vậy khách hàng sẽ khó khăn trong việc chủ động về mặt tài chính.
Vậy nên lựa chọn hình thức trả lãi nào?
Giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi trong suốt thời gian vay thế chấp, thường thì lãi suất cố định sẽ cao hơn và có tổng chi phí vay vốn cao hơn.
Nhưng trên khía cạnh kế hoạch tài chính, phương thức tính lãi suất cố định sẽ có lợi hơn cho người đi vay. Lựa chọn hình thức này, họ sẽ biết trước chắc chắn mỗi tháng sẽ trả tiền gốc và tiền lãi bao nhiêu (vì lãi suất cố định suốt quá trình vay), nhờ vậy họ sẽ chủ động hơn trong kế hoạch tài chính của mình.
Còn đối với vay thế chấp với lãi suất thả nổi, nó cũng sẽ là sự lựa chọn rất khôn ngoan nếu như bạn hiểu được xu thế lãi suất và nắm rõ các kỳ điều chỉnh lãi suất để tiến hành đáo hạn kịp thời trước khi lãi suất được điều chỉnh tăng, thì đi vay vốn với lãi suất thả nổi là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Khi lãi suất cho vay thế chấp ban đầu thấp đồng nghĩa với việc khoản trả nợ hàng tháng sẽ ít hơn trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải xem xét cẩn thận các hệ quả khi quyết định chọn lãi suất thả nổi cho khoản vay của mình. Nếu lãi suất được dự kiến sẽ giảm trong tương lai gần, quyết định chọn lãi suất thả nổi chắc chắn sẽ rất tốt. Ngược lại, nếu như lãi suất cho vay sẽ tăng lên thì bạn sẽ đối mặt với việc không chủ động được khả năng chi trả của mình.
Từ những ưu điểm và nhược điểm trên, việc chọn trả lãi suất thấp trong ngắn hạn hoặc chấp nhận trả lãi suất cao mà ổn định trong dài hạn đều phụ thuộc vào sự tính toán cẩn thận về khả năng tài chính, quản lý rủi ro của mỗi khách hàng sao cho thích hợp.