Lắng nghe và thấu hiểu là nguyên tắc quan trọng trong lĩnh vực giao tiếp giữa người với người, là chìa khóa để có được cuộc giao tiếp hiệu quả.
Đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu
Nếu muốn gây ảnh hưởng đối với một người thì điều đầu tiên là bạn cần phải hiểu người đó. Bạn không thể thành công nếu chỉ dựa vào kỹ thuật giao tiếp. Bởi khi phát hiện ra điều này, người ta sẽ nghĩ bạn giả dối hoặc đóng kịch và sẽ thắc mắc tại sao bạn làm như vậy, động cơ của bạn là gì …
Chìa khóa thực sự để gây ảnh hưởng với người khác chính là con người thật của bạn, là hành động thực sự của bạn.
Đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu người khác, mà để đối đáp. Người ta thường thông qua mô thức của mình để gạn lọc những điều họ nghe và có thói quen “suy bụng ta ra bụng người” để phán xét cuộc sống của người khác.
“Ồ, tôi rất hiểu tình cảm của anh!”
“Tôi đã từng trải qua những điều giống hệt như thế. Để tôi nói kinh nghiệm bản thân cho anh/chị nghe nhé.”
Họ không ngừng dùng trải nghiệm của mình chiếu lên hành vi của người khác. Và họ dùng cặp kính của mình đeo vào mắt người đang giao tiếp với họ.
Lắng nghe và thấu hiểu là biết đặt mình vào người khác
Việc lắng nghe và thấu hiểu không phải là một xảo thuật để lấy lòng người khác, cũng không phải là kiểu lắng nghe “có suy nghĩ”.
Lắng nghe “có suy nghĩ” nghĩa là bạn lắng nghe với ý định để đối đáp, để kiểm soát, để điều khiển người khác. Còn lắng nghe và thấu hiểu là một mô thức hoàn toàn khác, đó là lắng nghe với mục đích trước hết để thực sự hiểu được người khác.
Khi bạn lắng nghe và thấu hiểu là bạn đã đi vào bên trong khung tham chiếu của người khác. Bạn nhìn sự việc thông qua họ, nhìn thế giới theo cách của họ, hiểu mô thức của họ, cảm nghĩ của họ.
Thấu hiểu khác với thông cảm. Thông cảm là một hình thức tán thành, xét đoán, có thể hiện tình cảm và phản ứng. Người ta thường lạm dụng sự thông cảm và tạo ra cảm giác bị phụ thuộc. Bản chất của lắng nghe và thấu hiểu không phải ở chỗ bạn đồng ý với người khác, mà là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ.
Bên cạnh đó, lắng nghe và thấu hiểu không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận, suy tư hay hiểu rõ những gì được nghe. Theo tính toán của các chuyên gia về giao tiếp, trong thực tế, chỉ có 10% giao tiếp của chúng ta được thể hiện thông qua lời nói, 30% được thể hiện qua âm thanh và 60% qua ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ.
Trong khi lắng nghe và thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn, bạn còn nghe bằng mắt và cả con tim. Lúc này, lắng nghe là để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác. Bạn huy động cả bán cầu não phải và trái làm việc. Bạn nhận thức, trực cảm và cảm nhận.
Cố gắng thấu hiểu người khác trước là một nguyên tắc đúng đắn đã được minh chứng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nó là một nguyên tắc phổ biến, là mẫu số chung, và có sức mạnh lớn nhất trong mối quan hệ giữa người với người.
sentayho.com.vn sưu tầm