- Vị trí Business Analyst (BA) là như thế nào ?
Vị trí chuyên viên Phân Tích Nghiệp Vụ (BA) là người chịu trách nhiệm phân tích nhu cầu của khách hàng và các đối tác đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tìm hiểu và đề xuất phương pháp giải quyết vấn đề phát sinh. Họ giúp cải thiện cách thức vận hành kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực có giới hạn, và hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn.
Một BA thường đóng vai trò “cầu nối” giữa hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp và bộ phận CNTT. Là thành viên của nhóm dự án, họ đóng góp nhiều ý kiến và thông tin giá trị. Họ làm việc với các nhà quản lý và các nhà tư vấn, chịu trách nhiệm phát triển mô hình nghiệp vụ, thực hiện các công việc nghiên cứu và phân tích phức tạp.
Các BA thường có trình độ về kỹ thuật, họ có thể bắt đầu từ vị trí lập trình viên hay kỹ sư công nghệ thông tin. Không nhất thiết phải có chuyên môn kỹ thuật, một số người có thể chuyển sang làm BA từ một ngành nghề kinh doanh khác nhờ có khả năng phân tích nghiệp vụ tốt. Các BA thường phát triển lên vị trí giám đốc dự án, chuyên viên tư vấn hay cố vấn chuyên môn.
Ngoài trình độ học vấn, một BA cần có kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp tốt và chín chắn.
- Cần những kỹ năng nào để trở thành một chuyên viên phân tích nghiệp vụ giỏi?
Chuyên viên phân tích nghiệp vụ giỏi cần các kỹ năng như:
- Kỹ năng Công nghệ thông tin
- Kỹ năng kỹ thuật công nghệ thông tin cần thiết cho một BA và các chủ đề có liên quan. Để biết tin học hóa các vấn đề cần giải quyết
- Kỹ năng Phân tích để xác định những gì là cần thiết phải làm để giải quyết vấn đề & đưa ra các giải pháp, nhìn ra tất cả các khía cạnh
- Kỹ năng Làm việc nhóm, Các dự án đều làm việc theo nhóm với các thành viên: Lập trình, BA, Tester
- Kỹ năng Hội họp: Giải pháp cho các vướng mắc trong công việc được tìm thấy thông qua cuộc họp và thảo luận
- Kỹ năng Giao tiếp: Thảo luận về kỹ năng giao tiếp làm việc với khách hàng, với đội ngũ lập trình… Biết lắng nghe và có khả năng quan sát tốt
- Khả năng giao tiếp bằng lời nói và bằng văn bản bằng cách sử dụng rõ ràng, ngôn ngữ chính xác.
- Kỹ năng Thuyết trình, đàm phán: Nâng cao kỹ năng truyền đạt thông tin đến nhà quản lý, đội ngũ kinh doanh, người dùng và các đối tượng chức năng khác trong công ty
- Kỹ năng đàm phán và quản lý khách hàng hiệu quả.
- Kỹ năng Giải quyết vấn đề: Giải quyết các vấn đề trong công việc, mối quan hệ của BA, lập trình, tester, khách hàng
- Kỹ năng Quản lý dự án: Quản lý theo dõi tiến độ dự án, tiến độ lập trình, kiểm thử
Tóm lại: Chuyên viên BA không chỉ là người có kiến thức chuyên môn trong công nghệ thông tin mà còn phải hội đủ các kỹ năng tổ chức, kỹ năng viết tài liệu, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thu thập và phân tích nhu cầu khách hàng, họ phải có tầm nhìn xa và khả năng giải quyết vấn đề phát sinh khi cần thiết.
- Học gì để làm được BA?
BA hiện nay đang hiếm nhân lực, thông tin tuyển dụng rất nhiều nhưng khó tìm được người vì ít người biết để theo nghề này. Không những trong lĩnh vực CNTT mà kể cả trong các lĩnh vực khác như kinh tế, quản trị, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ… Điều này là cơ hội rất tốt cho các bạn mới ra trường dễ dàng xin được việc. Vậy muốn trở thành 1 BA bạn cần làm những gì?
- Những người trong lĩnh vực IT (Ví dụ: Lập trình viên, chuyên viên kiểm tra phần mềm,…)
Nếu muốn trở thành một BA, họ cần bổ sung thêm những kiến thức cơ bản về các nghiệp vụ khác như kế toán, nhân sự, tài chính… Thường thì những người thuộc lĩnh vực này sẽ dễ dàng hơn trong việc trở thành một BA. Bởi ngoài kiến thức nền tảng chuyên về IT, thì tuỳ vào từng lĩnh vực dự án và tuỳ vào mức độ chuyên sâu của lĩnh vực đó, mà họ sẽ chỉ cần tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan và chuyên sâu.
Tuy nhiên, đa phần thì dân kỹ thuật thường có kỹ năng mềm không tốt mấy nhất là các kỹ năng giao tiếp hay đàm phán là rất tệ. Vì vậy nếu mà dân kỹ thuật có 2 tố chất trên thì rất dễ trở thành BA xịn.
- Những người không chuyên (Ví dụ: Kinh doanh, Marketing,…)
Lợi thế thường thấy của nhóm đối tượng này đó là về kỹ năng giao tiếp cũng như đàm phán, họ là những người năng động, linh hoạt, và kỹ năng trao đổi cũng tốt hơn. Tuy nhiên rào cản lớn nhất của họ vẫn là kỹ thuật, để hiểu rõ, để có khả năng đàm phán thì họ cần nắm các hệ thống, quy trình kỹ thuật cần thiết, như thế thì mới có thể tư vấn rõ cho khách hàng được.
BA không xuất thân từ kỹ thuật thường làm trong các công ty/tổ chức/doanh nghiệp chỉ liên quan đến một lĩnh vực chuyên môn nào đó nhất định. Họ vẫn đóng vai trò cầu nối, nhưng sản phẩm cuối cùng mà BA này cùng nhóm phát triển phần mềm tạo ra phục vụ cho mục đích sử dụng nội bộ. Do đó, BA lúc này cần có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ hơn.
- Người vừa có kiến thức IT, vừa có kiến thức cơ bản ở các lĩnh vực khác
Những người thuộc nhóm này thường là những lập trình viên/quản lý dự án lâu năm, đã trải qua nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau. Họ có kiến thức sẽ bao quát hết mọi lĩnh vực vừa IT, vừa kinh tế. Do đó, nhóm đối tượng này sẽ dễ dàng trở thành BA nhất. Tuy nhiên những người này thường có cảm giác trì trệ, chậm chạp. Vì vậy cái cần thay đổi của họ là nên thường xuyên cập nhật công nghệ mới cũng như linh hoạt trong mindset của mình mà thôi.
Xem thêm thông tin tuyển dụng vị trí Business Analyst của Ominext tại đây.