Mỹ vào cuộc sau khi trùm WikiLeaks bị tống khỏi Đại sứ quán Ecuador Đại sứ quán Ecuador gọi cảnh sát Anh bắt ông chủ Wikileaks
Quay ngược kim đồng hồ
Được thành lập năm 2006 bởi Julian Assange – một lập trình viên quốc tịch Australia, WikiLeaks – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, hoạt động dựa trên các khoản tài trợ từ cộng đồng – đã lần đầu tiên thu hút sự chú ý của thế giới khi công bố những hình ảnh về các hoạt động giám sát nghi phạm ở trại Delta ở vịnh Guantanamo của Mỹ tại Cuba.
Từ bí mật của các nhà lãnh đạo, cho tới những vấn đề nhạy cảm giữa các quốc gia, tất cả đều được WikiLeaks phơi bày. Năm 2007, tổ chức này tuyên bố họ sở hữu 1,2 triệu tài liệu mật từ các chính phủ, chính đảng, tổ chức trên thế giới.
Ông Julian Assange thường sử dụng chính ban công của Đại sứ quán Ecuador để đưa ra các tuyên bố. Ảnh: Reuters.
Năm 2010, WikiLeaks gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Chính phủ Mỹ sau đó lên tiếng cáo buộc trang web Wikileaks vi phạm Luật tình báo Mỹ và yêu cầu Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks phải chịu trách nhiệm cho tội danh làm rò rỉ hàng loạt tài liệu mật của Mỹ.
Tháng 12-2010, ông Julian Assange (lúc đó 39 tuổi) đã bị bắt tại London, song lại theo lệnh bắt giữ của chính quyền Thụy Điển với tội danh quấy rối tình dục và cưỡng bức hai cô gái người Thụy Điển trong một chuyến đi đến nước này vào tháng 8-2010, dù ông liên tục phủ nhận các cáo buộc.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông chủ WikiLeaks được tại ngoại sau khi đóng 240.000 bảng Anh bảo lãnh. Nhưng ngày 15-6-2012, Anh đã quyết định dẫn độ Assange tới Thụy Điển do ông không thể kháng cáo thành công. Việc này khiến nhà sáng lập WikiLeaks phải tới Đại sứ quán Ecuador ở London nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Ecuador và được chấp nhận.
Kể từ tháng 6-2012, ông Assange đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục.
Mặc dù năm 2017, cảnh sát Thụy Điển đã dừng cuộc điều tra, nhưng nhà sáng lập WikiLeaks vẫn không rời khỏi khuôn viên của Đại sứ quán Ecuador do lo ngại nếu ra khỏi vùng đất ngoại giao của Ecuador, ông sẽ bị bắt giữ và dẫn độ về Mỹ để chịu án phạt do công bố hàng nghìn tài liệu quân sự và ngoại giao mật thông qua mạng WikiLeaks.
Trong thời gian này, ông Julian Assange vẫn là người đứng đầu WikiLeaks, ông thường dùng sứ quán Ecuador tại Anh để duy trì hình ảnh trước công chúng, sử dụng chính ban công của tòa nhà để đưa ra các tuyên bố.
Cái kết đắng cay
Sau hơn 2.000 ngày ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London với tư cách tị nạn chính trị, nhà sáng lập WikiLeaks bất ngờ bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11-4. Ông bị 7 người đàn ông mặc suit khiêng ra khỏi trụ sở Đại sứ quán và đưa lên xe cảnh sát.
Cảnh sát Anh sau đó cho hay, Assange bị bắt trước hết là vì vi phạm thỏa thuận bảo lãnh, sau là “theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ”. Cảnh sát cũng khẳng định, việc bắt giữ được tiến hành dựa trên sự chấp thuận của Đại sứ Ecuador và không lâu sau khi chính phủ Ecuador rút quy chế cho phép tị nạn đối với ông chủ WikiLeaks.
Giới quan sát nhận định, quan hệ giữa Ecuador và ông chủ WikiLeaks trở nên xấu đi từ khi ông Moreno đắc cử Tổng thống Ecuador năm 2017, dẫn đến việc ông Assange không thể tiếp tục lẩn trốn tại Đại sứ quán nước này.
Trên Twitter, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno nói, nước này không còn muốn bảo vệ ông Assange nữa, cho rằng hành vi của ông là “thô lỗ và gây hấn” và Ecuador có “quyền chủ quyền” trong việc hủy bỏ tư cách tị nạn của ông. Vụ bắt giữ diễn ra một ngày sau khi WikiLeaks cáo buộc chính phủ Ecuador tổ chức “chiến dịch dò thám quy mô” nhằm vào Assange. Tuy nhiên, ông Moreno cho hay, ông đã yêu cầu Anh không dẫn độ Assange sang nước mà nhà sáng lập WikiLeaks có thể đối mặt với án tử hình hoặc bị tra tấn.
Vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks cũng gây ra những phản ứng trái ngược trong dư luận quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, vụ bắt giữ cho thấy “không ai đứng trên pháp luật”. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng cảm ơn tổng thống Ecuador vì đã phá vỡ thế bế tắc.
Trong khi đó, Rafael Correa, cựu Tổng thống Ecuador thời Julian Assange xin tị nạn, đã lên án mạnh mẽ động thái của người kế nhiệm ông. Edward Snowden, cựu nhân viên CIA từng tiết lộ về chương trình dò thám của Mỹ, nói sự việc là “cú giáng vào tự do báo chí”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin hy vọng các quyền của Assagne sẽ được tôn trọng. Bản thân WikiLeaks cũng đã phản ứng quyết liệt về việc bắt giữ, cáo buộc “Ecuador chấm dứt bất hợp pháp việc tị nạn chính trị của Assange là vi phạm luật pháp quốc tế”.
Điều gì đang chờ đợi Assange?
Sau khi bị bắt, ông Assange đã ngay lập tức được đưa tới tòa án sơ cấp Westminster, nơi thẩm phán Michael Snow nhanh chóng tuyên ông vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012, sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ, đồng thời bác bỏ khiếu nại của Assange rằng ông không được xét xử công bằng.
Ông Assanger có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Chính quyền Anh cũng thông tin, nhà sáng lập WikiLeaks sẽ bị giam giữ cho tới phiên tòa tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 2-5. Đồng thời, các công tố viên Thụy Điển đang xem xét khả năng nối lại cuộc điều tra các cáo buộc tấn công tình dục.
Tại Washington, ngay trong ngày 11-4 (giờ địa phương), Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố lệnh truy tố đối với ông. Ông bị cáo buộc thông đồng với cựu nhân viên phân tích tình báo Quân đội Mỹ Chelsea Manning hồi năm 2010 truy cập vào một máy tính được bảo mật chứa tài liệu quan trọng tại Lầu Năm Góc. Theo các công tố viên Mỹ, ông Assange đã tải xuống các thông tin này, nhằm mục đích xuất bản chúng trên trang web WikiLeaks. Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, ông Assange đối mặt với mức án tối đa là 5 năm tù giam. Việc ông Assange bị bắt giữ tại Anh cũng đã mở đường cho khả năng ông này bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước.
Trong khi đó, luật sư của Assange tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng chống lại yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận, tương lai của nhà sáng lậpWikiLeaks sẽ không có nhiều gam màu sáng, khi hàng loạt cáo buộc đang liên tục nhắm vào ông.