Nốt Osler và tổn thương Janewway là gì?
Nốt Osler và tổn thương Janeway là hai biểu hiện da hiếm gặp nhưng là biểu hiện điển hình trên da của tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Những tổn thương này cũng được mô tả trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh lậu, thiếu máu tán huyết và thương hàn nhưng rất hiếm. Nốt Osler và tổn thương Janeway rất quan trọng trong việc giúp chẩn đoán sớm của một số bệnh nguy hiểm.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là gì?
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng nhiễm trùng của lớp niêm mạc trong tim nguyên nhân gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Bệnh thường ảnh hưởng đến van tim. Vi khuẩn xâm nhập vào tim qua đường máu, có thể từ rõ ràng một ổ nhiễm trùng ở nơi khác trong cơ thể hoặc không. Mặc dù chỉ một vài loại vi khuẩn có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng trên van tim bình thường, thì viêm nội tâm mạc nhiễm trùng phổ biến hơn ở những bệnh nhân có bệnh van tim do thấp tim, phẫu thuật sửa hoặc thay van hoặc bất thường bẩm sinh.
Các vi khuẩn thường gặp bao gồm các loại tụ cầu, liên cầu, Pseudomonas, bartonella và một số loại sinh vật khác.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thường được chia thành cấp tính và bán cấp tuỳ thuộc vào tốc độ diễn tiến của bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm: sốt, lơ mơ, khó thở. đau ngực hoặc đánh trống ngực. Những triệu chứng này cần được bác sĩ đánh giá và định hướng nhanh chóng, chính xác.
Những xuất huyết dưới móng ở vùng móng gần cũng là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Nốt Osler
Nốt Osler có màu đỏ tím, nhô lên, tạo thành cục và nhạt màu ở trung tâm. Cảm giác đau sẽ đến trước khi sang thương xuất hiện 24 giờ. Chúng thường được thấy ở ngón tay hoặc ngón chân. Nốt Osler có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thời gian diễn tiến của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (thường giai đoạn bán cấp) và kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Hình ảnh nốt Osler trên ngón đeo nhẫn cũng như các nốt nhỏ hơn trên ngón út và ngón giữa.
Nốt Osler trên ngón trỏ cũng như những sang thương mảnh xuất huyết dưới móng.
Sang thương này được mô tả đầu tiên bởi bác sĩ người Pháp Mullen từ Hamilton được gọi là “Nodesites Cutanees Ephemeres” nghĩa là những nốt tổn thương trên da trong thời gian ngắn. Sau đó Parkes Weber gợi ý rằng những sang thương này nên được gọi là nốt Osler để thừa nhận là bác sĩ William Osler (1849 – 1919) đã “lần đầu tiên kêu gọi sự chú ý về tầm quan trọng trong việc chẩn đóan đầy đủ về sang thương này”. Mô tả đầu tiên của ông về những tổn thương này là vào năm 1893. Bác sĩ William Osler đã viết 1344 ấn phẩm về các chủ đề y tế.
Nguyên nhân của nốt Osler là gì?
Nguyên nhân cơ bản của các tổn thương này đã được tranh luận kể từ khi Osler lần đầu tiên đề xuất nguyên nhân là do vi tắc mạch (đây là hậu quả của các mảnh vỡ nhỏ trong dòng máu). Những báo cáo sớm nhất ủng hộ nguyên nhân dị ứng hoặc miễn dịch, những các báo cáo gần đây hơn đã phân lập được vi khuẩn bên trong các nốt Osler.
Một mẫu sinh thiết da có thể cho thấy bạch cầu trung tính xuất hiện trong mạch máu viêm (viêm mạch máu) ảnh hưởng đến cuộn mạch máu tận cùng ngón tay hoặc hình thành vi mô không có bằng chứng của viêm mạch. Người ta đã công nhận rằng các sinh thiết ban đầu chỉ ra có vi khuẩn hiện diện trong những vi áp xe và thời gian phát triển các nốt trở nên vô khuẩn và viêm mạch máu quá mẫn hoặc viêm mạch máu nhỏ phát triển qua trung gian hệ thống miễn dịch.
Những xét nghiệm nào nên được thực hiện?
Một nghiên cứu cẩn thận về viêm nội tâm mạc nhiễm trùng được thực hiện bao gồm nhiều lần cấy máu, các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, X-quang ngực và siêu âm tim.
Sinh thiết da có thể hữu ích để xác định chẩn đoán của nốt Osler.
Nốt Osler điều trị như thế nào?
Việc điều trị nhắm vào điều trị tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bằng cách sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và đôi khi cần phẫu thuật van tim.
Tổn thương nốt Osler trên da có xu hướng tự lành và không để lại sẹo.
Tổn thương Janeway.
Trái với nốt Osler, tổn thương Janeway thường chắc, và thường chảy máu (chảy máu vào trong da), và xuất hiện ở chủ yếu ở lòng bàn tay và lòng bàn chân trên ụ mô ngón cái và ngón út . Những sang thương này có khuynh hướng kéo dài vài ngày đến vài tuần trước khi lành hẳn. Các tổn thương Janeway thường được thấy trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp tính hơn, và vi khuẩn – chẳng hạn như Staphylococcus aureus có thể được nuôi phân lập nuôi cấy từ tổn thương. Mô học thường phù hợp với vi thuyên tắc do nhiễm trùng (nghĩa là vi khuẩn có thể được tìm thấy trong lòng mạch).
– Bs Phan Vũ Lam Phương –
Giới thiệu Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.
Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu – Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Thông tin liên hệ
-
Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
-
Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
-
Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
-
Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da – BV Nguyễn Tri Phương