Nude Thong Là Gì, Nghĩa Của Từ Nude, Nude Trong Tiếng Tiếng Việt

Trong danh sách những giá bán kỷ lục từng được đưa ra, hay những cuộc tranh cãi dài nhất, gay gắt nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nghệ thuật, chắc chắn không thể không có sự góp mặt của một vài tác phẩm nghệ thuật khỏa thân. Vậy nghệ thuật khỏa thân là gì? Tại sao một chủ đề nghệ thuật lâu đời bậc nhất như khỏa thân lại vẫn chưa bao giờ nguội lạnh hay hết nhạy cảm với giới phê bình nghệ thuật và công chúng? Hãy cùng sentayho.com.vn tìm hiểu nhé!

Nghệ thuật khỏa thân (Nude art) là gì?

1. Định nghĩa

Khỏa thân (hay “nude” trong tiếng Anh) là từ để chỉ tình trạng cơ thể không có quần áo hay vải che đậy. Nghệ thuật khỏa thân (nude art) là một loại hình nghệ thuật trong đó cơ thể trong tình trạng không có quần áo là đối tượng khai thác chính của toàn bộ tác phẩm, cũng giống như cách mà cảnh vật hay các đồ vật làm nội dung chủ đạo trong những tác phẩm nghệ thuật phong cảnh hay tĩnh vật.

Đang xem: Nude thong là gì

Cơ thể trần truồng có vẻ là một trạng thái rất tự nhiên của con người nếu chúng ta xem xét đến mức độ thường xuyên của tình cảnh đó trong cuộc đời: khi ta sinh ra, khi ta đi tắm,… Tuy nhiên, khi đi vào nghệ thuật, đối tượng lõa thể lại có rất ít sự liên hệ đến những hoàn cảnh đời thường kể trên mà thay vào đó, sự tái hiện, phơi bày cơ thể con người một cách trọn vẹn, nguyên bản lại phản ánh một tập hợp rất phức tạp những lý tưởng thuần túy, những mối quan tâm triết học và truyền thống văn hóa.

Những nhân vật lõa thể không phải chỉ xuất hiện mỗi trong nude art, tuy không phải là chủ đề chính nhưng đây cũng là một yếu tố thường xuyên xuất hiện trong các thể loại nghệ thuật khác, chẳng hạn như trong các tác phẩm hội họa lịch sử nhằm đem lại cả màu sắc tượng trưng, ẩn dụ lẫn màu sắc tôn giáo, tác phẩm chân dung hay những mô hình nghệ thuật phục vụ mục đích trang trí cho các công trình kiến trúc.

2. Khỏa thân (The nude) và Trần truồng (The naked)

Dù là với văn hóa phương Tây vốn không còn xa lạ với những hình tượng khỏa thân từ thời cổ đại cho đến thời kỳ Phục Hưng, hay với văn hóa Á Đông vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những luật lệ tôn giáo nghiêm ngặt hay tư tưởng Nho giáo hà khắc, không thể phủ nhận rằng cho đến nay, hình tượng lõa thể trong các sáng tác nghệ thuật vẫn là chủ đề rất nhạy cảm và dễ dàng trở thành thỏi nam châm hút những tranh cãi hay công kích từ giới phê bình nghệ thuật cũng như công chúng.

Kenneth Clark, sử học gia nghệ thuật tiêu biểu của Anh trong tác phẩm “The Nude: A Study in Ideal Form” (Mellon Lectures,1953), một trong những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về nghệ thuật khỏa thân như một loại hình sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, đã dành ra cả một chương thứ hai mang tên “The naked and the nude” để phân biệt hai khái niệm này, như một tiền đề để khẳng định tính nghệ thuật vốn hay bị nhầm lẫn và phủ nhận của nghệ thuật nude. Ông chỉ ra rằng: “Tiếng Anh, với sự quảng đại tinh tế của mình, đã luôn phân biệt rõ ràng giữa “the naked” và “the nude”. “The naked” – trần truồng/lõa lồ là cơ thể bị tước bỏ quần áo, mang hàm ý trong đó là nỗi hổ thẹn, sự yếu đuối, mất tự do với cơ thể của mình. Nhưng ngược lại, “the nude”,lại được ngầm hiểu là ngôn từ có văn hóa và thẩm mỹ, không hề mang một chút ám chỉ khó chịu nào. Ấn tượng hiện lên trong tâm trí không phải là hình ảnh một cơ thể co ro và không có khả năng tự vệ, thay vào đó, “the nude”- khỏa thân là sự khơi gợi về một cơ thể cân đối, giàu sức sống và đặc biệt là được phơi bày với tràn đầy sự tự tin: một cơ thể được tái tạo dưới lăng kính nghệ thuật.”

Clark đã lần đầu tiên chỉ ra cái yếu tố then chốt làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm với đối tượng khỏa thân: dù là phô diễn một cách tượng trưng, được tỷ lệ hóa, hay phơi bày chân thật, trần trụi, dù là tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ, lý tưởng, sức sống trong sáng hay là vẻ đẹp trần tục và khơi gợi những cảm xúc bản năng, nghệ thuật nude cuối cùng vẫn phải là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự nhào nặn của tạo hóa.

David (1504) Michelangelo “Con người thật trống rỗng và mù quáng khi không thể nhận ra sự thật rằng bàn chân nhiều phần cao quý hơn chiếc giày, và làn da trần trụi còn đẹp hơn rất nhiều những nhung lụa mà nó đang khoác lên”

Lịch sử của nghệ thuật khỏa thân

1. Sự hình thành

Với nhiều nền văn hóa cổ đại, khỏa thân không chỉ là một việc hết sức bình thường mà còn là một yếu tố không thể thiếu trong một số nghi lễ, tập tục gắn liền với các quan niệm tín ngưỡng. Và từ đời sống văn hóa, những hình tượng khỏa thân đã đi vào những tác phẩm nghệ thuật thưở sơ khai của nhân loại như một sự khắc họa rất tự nhiên. Những bức tượng khỏa thân còn sót lại từ thời Babylon và Ai Cập cổ đại có thể coi là hình mẫu đầu tiên cho nude art trong nghệ thuật cổ đại phương Tây.

Bức tượng nữ thần Ishtar bằng ngọc còn lại của đế chế Babylon cổ đại

Mô tả những hình tượng khỏa thân cũng có thể được tìm thấy trong nghệ thuật truyền thống của một số quốc gia nằm ngoài châu Âu, nhưng thường gắn liền với tín ngưỡng văn hóa phồn thực.Tiêu biểu là Ấn Độ (với những bức tượng và phù điêu khỏa thân trong các điện thờ đạo Hồi đặc trưng cho tín ngưỡng tôn thờ tình dục như một nghi lễ tôn giáo), bên cạnh đó là Nhật Bản (với những bãi tắm công cộng cho cả hai giới được ghi lại trong những tranh khắc gỗ).

Tuy vậy, có lẽ phải đến các nghệ nhân điêu khắc thời kỳ Hy Lạp cổ đại thì nghệ thuật khỏa thân mới thực sự được hình thành như một hình thái độc lập.

2. Quá trình phát triển và đặc điểm phong cách

a. Nền móng đầu tiên: Nghệ thuật nude trong di sản nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại

Một điều mà hẳn cả những người không mấy quan tâm đến điêu khắc hay nghệ thuật cổ đại có thể dễ dàng nhận ra là các bức tượng cổ Hy lạp đang được trưng bày tại các bảo tàng trên khắp thế giới hầu như luôn trong trạng thái khỏa thân: từ những chiến binh chết trong trận chiến Trojan, đến vận động viên đang ném đĩa hay các nữ thần đang bước vào bồn tắm. Ngày nay, chúng ta chấp nhận các bức tượng Hy Lạp khỏa thân như là một điều tất yếu. Nhưng vào thời điểm ra đời các bức tượng này, người Athens thực sự đã phá vỡ những giới hạn trong quan niệm thẩm mỹ và đạo đức trước đây. Đưa “nude” trở thành một tuyên ngôn nghệ thuật, họ đã làm điều mà chưa từng có một nền văn minh nào trước đây từng nghĩ tới.

Khởi điểm của nghệ thuật nude ở Hy Lạp cũng giống như ở những quốc gia và nền văn hóa khác, bắt nguồn từ bản năng tự nhiên tôn thờ sự sinh sôi nảy nở, với sự phổ biến của những tác phẩm tượng nhỏ mô tả cơ thể phụ nữ khá mũm mĩm thường được gọi là Willendorf Venus khoảng 25000 năm trước Công Nguyên.

Nhưng đến khoảng thế kỷ VI – thế kỷ V trước Công Nguyên, sự xuất hiện của những hình tượng nam khỏa thân trong các tác phẩm Hy Lạp mới thực sự đánh dấu cột mốc đầu tiên trong tiến trình dài của nghệ thuật nude: một hiện tượng hoàn toàn mới: các đối tượng khỏa thân được xây dựng với tỷ lệ cơ thể hoàn hảo, vừa được khai thác như một cách để tưởng niệm những nhân vật lịch sử, lại vừa được sử dụng để minh họa các vị thần hay các anh hùng trong thần thoại.

Nude – một chuẩn mực thẩm mỹ

Có lẽ tất cả bắt nguồn từ tính nhân văn được nhấn mạnh trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại: sự tôn thờ những vẻ đẹp rất con người, không chỉ trí tuệ, tâm hồn mà cả vẻ đẹp của bản thân cơ thể.

Một điều thú vị là từ “gym” chỉ phòng tập thể dục, có nguồn gốc từ “gymnos”, nghĩa là “khỏa thân” trong tiếng Hy Lạp. Các thanh niên Hy Lạp thường rèn luyện thân thể cũng như thi đấu thể thao (đặc biệt là các cuộc đấu liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo) trong trạng thái khỏa thân. Có thể vì lẽ đó mà có một sự liên tưởng hết sức tự nhiên giữa vẻ đẹp lõa thể với sức sống, tuổi trẻ và sự chiến thắng trong tiềm thức của người Hy Lạp.

Discobolus – biểu tượng của nghệ thuật khỏa thân Hy Lạp cổ đại mô tả một vận động viên ném đĩa trong thế vận hội Olympic, tuy bản gốc không còn nhưng được sao chép với vô vàn phiên bản từ tượng đồng cho đến chạm khắc đá cẩm thạch.

“Đối với người Hy Lạp, tình trạng khỏa thân không phải là sự sỉ nhục mà tượng trưng cho đạo đức đối với các công dân nam ưu tú trong xã hội. Khi một chàng thanh niên cởi bỏ quần áo để thi đấu trong các hội thi Olympic thời cổ đại, anh ta không được coi là đơn thuần trần truồng trước các đối thủ, mà đang khoác lên mình đồng phục của sự ngay thẳng, công bằng”, Neil MacGregor, giám đốc Bảo tàng Anh giải thích.

“Contrapposto” – tâm hồn của những tác phẩm nude

Chưa nói đến tư duy thẩm mỹ mới mẻ của nghệ thuật Hy Lạp khi lần đầu tiên tiếp cận “nude” như một khuôn mẫu đại diện cho sự trong sáng và thánh thiện, vinh quang và chiến thắng, các nghệ nhân điêu khắc Athens đã đóng góp những đột phá trong kỹ thuật, để thực sự khai phá con người như một đối tượng hấp dẫn của nghệ thuật. Thành tựu nổi bật nhất vẫn còn ảnh hưởng đến nay từ thời kỳ này chính là tư thế và tạo dáng của các bức tượng, thuật ngữ ngành điêu khắc ngày nay gọi là “contrapposto”.

“Contrapposto” là tư thế đứng với một chân làm trụ, chân còn lại thả lỏng, trong khi tay và vai xoay theo trục của hông và chân. Tạo dáng như vậy khiến cho đối tượng hiện lên sống động đồng thời lại vô cùng tự nhiên, thoải mái. Khác với tất cả những tác phẩm điêu khắc từng được biết đến trước đây nếu không là các tư thế thẳng và khô cứng (họa hoằn lắm mới có đột phá với một chân được đặt lên phía trước) thì lại là dáng người được cách điệu hóa trở nên mềm mại quá mức, “contrapposto” là sự nắm bắt một khoảnh khắc rất tự nhiên, chân thật của cơ thể nhưng đồng thời lại đánh dấu lần đầu tiên trong nghệ thuật, bản thân điệu bộ cơ thể được khám phá và khai thác nhằm thể hiện trạng thái tâm lý của con người.

Hãy so sánh tư thế trong bức tượng Cleopatra của người Ai Cập cổ đại này…

…với tư thế “contrapposto” trong tác phẩm”Marathon Youth” – tượng đồng thế kỷ IV trước Công Nguyên của người Athens

Bức tượng được biết đến như tác phẩm điêu khắc đầu tiên sử dụng “contrapposto” là “Kritios Boy” (khoảng năm 480 trước Công Nguyên), được Kenneth Clark ngợi ca là “hình tượng khỏa thân tuyệt đẹp đầu tiên trong nghệ thuật”. Sự cân bằng vững chãi và hài hòa trong dáng điệu của Kritios Boy khơi gợi đến sự thư thái của tâm hồn và trung hòa của cảm xúc, một trong những yếu tố làm nên cá nhân lý tưởng trong quan niệm của người Hy Lạp.

“Contrapposto” (mà sự phát triển sau này là tư thế “S Curve” nhấn mạnh thêm đường cong của cơ thể) vì vậy là một thành tựu lớn không chỉ với sự phát triển của riêng ngành điêu khắc mà còn là bước tiến lớn của nghệ thuật nude khi mang đến chiều sâu cảm xúc cho các tác phẩm.

Lý tưởng hóa và những tỷ lệ vàng

Khoảng giữa thế kỷ IV trước Công Nguyên, một trong những điêu khắc gia nổi bật của nghệ thuật Hy Lạp La Mã cổ đại Praxiteles cho ra đời bức tượng khắc họa nữ thần sắc đẹp Aphrodite trong trạng thái hoàn toàn khỏa thân mang tên “Knidian”, mở đầu một truyền thống mới cho những tác phẩm phụ nữ khỏa thân với các tỷ lệ vàng, mà sau này cũng dần được áp dụng trong các bức tượng nam. Thay vì cá thể hóa với những đặc điểm riêng trong từng tác phẩm, tất cả các bức tượng đều có các bộ phận cơ thể tuân theo những tỷ lệ nhất định, đã được xây dựng sẵn từ các phép tính toán học chính xác.

Knidian của Praxiteles – bức tượng đầu tiên về thần Aphrodite hoàn toàn khỏa thân với sự cân đối hoàn hảo trong từng bộ phận

Sự áp dụng các tỷ lệ một cách công thức như vậy đã hệ thống hóa cả một dòng chảy nghệ thuật nude thời kỳ Hy Lạp – La Mã cổ đại, tất cả xoay quanh ý tưởng về những hình tượng hoàn hảo, được lý tưởng hóa, đại diện cho tuổi trẻ và sức mạnh, dựa trên cấu trúc hình học rõ ràng và sự cân bằng hữu cơ. Điều đáng chú ý là trong khi thể hình chung của cơ thể rất ấn tượng với các chi và cơ bắp đặc tả một cách hoàn hảo và lý tưởng, riêng bộ phận sinh dục lại chỉ được miêu tả rất sơ sài với kích thước nhỏ.

Kenneth Clark đã nhận định về sự lý tưởng hóa này như một điểm nhấn chủ đạo làm nên nghệ thuật nude đích thực, đối lập với những hình ảnh được mô tả theo hướng chi tiết, thực tế mà ông cho rằng đơn thuần chỉ là “naked” (lõa lồ) một cách sống sượng. Sự nhấn mạnh của Clark vào cách thức lý tưởng hóa ấy chỉ ra một vấn đề then chốt và cốt lõi của nghệ thuật khỏa thân vẫn luôn tồn tại: dù là được lảng tránh một cách khéo léo hay khai thác tối đa vào sau này: tính khêu gợi và quyến rũ. Dù phương thức thế nào đi chăng nữa thì nghệ thuật khỏa thân cuối cùng vẫn là những khuấy đảo trong tâm trí cũng như đam mê.

b. Giai đoạn Trung đại và Thời kỳ Phục hưng

Cơ Đốc giáo và góc nhìn khác về hình tượng khỏa thân trong nghệ thuật Trung cổ châu Âu

Với thái độ hoài nghi về giá trị đích thực của cơ thể con người, trong khi đề cao giá trị của trinh tiết và thủy chung, người Cơ đốc giáo không hề ủng hộ những khắc họa khỏa thân trong các tác phẩm nghệ thuật, kể cả những tác phẩm bình dân, không gắn liền với tôn giáo hay vấn đề tâm linh. Công thức hoàn mỹ từ thời kỳ Hy Lạp – La Mã cho đến thế kỷ XIII – XIV ở châu Âu đã hầu như biến mất, những hình ảnh khỏa thân lại được chuyển thành biểu tượng của nỗi nhục nhã, hổ thẹn và tội lỗi, của sự yếu đuối và mất khả năng tự vệ của con người. Ví dụ tiêu biểu cho sự biến chuyển này phải kể đến tác phẩm “Last Judgement” của Stefan Lochner trong đó loài người là nhân vật duy nhất khỏa thân.

Ngoại lệ duy nhất khi nói đến yếu tố khỏa thân trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo Trung cổ chính là sự khắc họa hình tượng chúa Jesu trong những nỗi khổ hình, đặc biệt là khi bị đóng đinh trên cây thánh giá và cả giây phút lên thiên đàng, sự khỏa thân cho phép lột tả và nhấn mạnh những vết thương, nỗi đau mà người đã phải trải qua.

“Gothic nude” với những đặc điểm mới

Đến cuối giai đoạn Trung cổ, đối tượng phụ nữ khỏa thân được xây dựng cuốn hút một cách có chủ đích dần dần quay trở lại trong nghệ thuật châu Âu, trước hết là trong bối cảnh cổ điển như các hình vẽ Cung hoàng đạo hay những minh họa thơ cổ của thi sĩ Hy Lạp Ovid. Giai đoạn này là tiền đề hình thành nên một phong cách mới trong nghệ thuật khỏa thân: “Gothic nude” mang những đặc điểm rất khác với chuẩn mực hoàn mỹ cổ điển. Cơ thể phụ nữ được xây dựng với hình thể dài, những đường cong mềm mại, khung ngực hẹp, vòng eo cao, bầu ngực tròn nhỏ, và đặc biệt là có một chỗ phình nổi bật ở phần bụng dưới dạ dày, quanh rốn. Trong khi đó, những hình tượng khỏa thân nam, thay vì một thân thể cường tráng và cuồn cuộn cơ bắp, lại có xu hướng mảnh dẻ và thanh thoát.

The Fall (1467-1468) Hugo van der Goes

Sự quay trở lại của hình tượng khỏa thân trong phong trào nghệ thuật Phục hưng

Nguồn cảm hứng khai phá lại giai đoạn hoàng kim của nền văn hóa cổ đại trong thời kỳ Phục hưng đã đưa chủ đề khỏa thân một lần nữa quay trở lại dòng chảy nghệ thuật một cách rất tự nhiên. Điêu khắc gia Donatello đã tạo ra hai bức tượng về người anh hùng David từ cuốn Bibble, bức đầu tiên bằng cẩm thạch có phục trang, trong khi phiên bản thứ hai bằng đồng, ra đời khoảng 30 năm sau đó nhưng nổi tiếng hơn hẳn, lại là đối tượng hoàn toàn khỏa thân. Đây là tác phẩm nghệ thuật khỏa thân độc lập đầu tiên, không gắn với bất kỳ mục đích tôn giáo nào kể từ thời kỳ cổ đại.

Nhưng phát nổ thật sự của nghệ thuật nude phải là họa phẩm “Ngày phán xét cuối cùng” trên trần nhà nguyện Sistine. Toàn thể bức tranh đặc kín những hình ảnh khoả thân, kể cả Đấng Christ và Đức Mẹ Đồng Trinh. Dù ban đầu vấp phải rất nhiều chỉ trích gay gắt và cáo buộc về đạo đức, kiệt tác bậc nhất này của Michelangelo cuối cùng đã tái thiết lập lại truyền thống khai thác những hình ảnh khỏa thân trong các tác phẩm minh họa tôn giáo như một biểu trưng của chân, thiện, mỹ.

“Ngày phán xét cuối cùng” kiệt tác xuất chúng nhất nhưng lại là tác phẩm gây tranh cãi nhất của Michelangelo. Những nơiđược xem là nhạy cảm trong tranh đã bị xoá đi hay che kín lại trong đợt trùng tu hồi thế kỷ thứ 16. Mãi đến giữa năm 1980 và 1994 bức hoạ mới được chỉnh sửa và phân nửa những nơi bị che đậy mới được tháo ra, phô bày những bí mật đãchôn sâu hàng thế kỷ.

Tượng đài khỏa thân nữ cũng dần lấy lại sức quyến rũ của mình, kể từ tác phẩm “The Birth of Venus” (Sự chào đời của thần Vệ nữ) của Sandro Botticelli năm 1486.

Sau đó, đến năm 1510, tác phẩm thần Vệ nữ của Giorgione, tuy cũng khai thác những hình mẫu nhân vật cổ điển, nhưng thay vì tư thế đứng “contrapposto” hay “S curve”, đối tượng lại được khắc họa trong dáng điệu nằm ngả người. Đây là khởi đầu cho cả một dòng tác phẩm đầy ảnh hưởng của nghệ thuật nude vẫn tiếp tục hàng thế kỷ sau này, bao gồm: “Venus of Urbino” của Titian (1538), “Nude Maja” của Goya (1798), hay “Olympia” của Manet (1863). Mặc dù phản ánh các tỷ lệ kế thừa từ những bức tượng cổ đại của người Athens xưa, những biểu cảm như trong tác phẩm của Titian lại nhấn mạnh nét gợi tình của cơ thể người phụ nữ hơn là nét đẹp hình học lý tưởng của bản thân cấu trúc cơ thể.

“Sleeping Venus” của Giorgione

“Venus and the Lute Player “(1565-1570),Titian

Nude và sự hình thành bộ môn nghiên cứu hình thể trong nghệ thuật

Tuy trong giai đoạn này sự quan sát và thể hiện nét cá nhân của từng người mẫu không được coi trọng, thay vào đó phần lớn là dựa trên những tỷ lệ mặc định, các nghệ sỹ thời kỳ Phục hưng là những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu hình thể con người trong nghệ thuật. Những mẫu nude phụ nữ thật sự thay thế cho các hình mẫu nam đeo ngực giả trước đây; các yêu cầu khỏa thân bắt buộc với người mẫu trong các studio trong khi tác phẩm cuối cùng lại là nhân vật mặc quần áo đã cho thấy yêu cầu thấu hiểu các chi tiết cơ thể (dù là ẩn dưới lớp quần áo) đặc biệt được chú trọng. Cũng theo đó mà việc phác thảo cơ thể khỏa thân thông qua khai thác một đối tượng mẫu cụ thể nhanh chóng trở thành một bộ phận quan trọng và bắt buộc của quá trình đào tạo và thực hành nghệ thuật, và tiếp tục được kế thừa cho đến ngày hôm nay.

“Study of a kneeling Nude Girl for the Entombment” Michelangelo – một trong những ký họa khỏa thân đầu tiên

c. Từ Baroque đến hiện đại

Chân thật và phóng khoáng hơn

Bước vào thời kỳ Baroque, niềm đam mê với những tượng đài cổ đại vẫn tiếp tục được duy trì, tuy nhiên với bản sắc cá nhân ngày một được mở rộng trong nghệ thuật, các nghệ sỹ từ thế kỷ XVII đã bắt đầu làm mới cách tiếp cận với đối tượng khỏa thân. Bớt đi những khuôn mẫu và công thức lý tưởng, thay vào đó là những lột tả chân thật hơn, dựa trên sự làm việc thường xuyên và sâu sát với những mẫu nude thực tế và cụ thể. Tuy nhiên, nhân vật vẫn chưa được hiện lên trong các tác phẩm như những chân dung mang tính cá nhân, mà các đối tượng khỏa thân nam sẽ trong hình ảnh của những vị anh hùng như Hercules hay Samson, còn những mẫu nude nữ sẽ trong vai của nữ thần sắc đẹp Venus hay Three Graces (ba nữ thần tiên tri của thần thoại La Mã).

Tác phẩm “Three Graces” (1636 – 1638) của Peter Paul Rubens, tác gia ghi dấu với những tác phẩm tươi vui nổi bật hình tượng phụ nữ khỏa thân mang hình thể phúc hậu, rạng rỡ. Hình tượng này của ông ảnh hưởng sâu đậm đến nỗi tên ông đi cả vào ngôn ngữ: tính từ “rubenesque” (chỉ cơ thể phụ nữ tròn trịa với ngực và hông lớn).

Cuối thời kỳ Baroque, nét kiểu cách, nghiêm trang ảnh hưởng từ thời kỳ cổ đại trong các tác phẩm nude bị thách thức bởi một phong cách mới được hình thành, vui tươi, sặc sỡ và mang nhiều yếu tố trang trí hơn.

Tác phẩm “Venus Consoling Love” của Francois Boucher

Ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và sự tan rã của những khuôn mẫu cuối cùng trong nghệ thuật nude

Trong suốt hai thế kỷ XVIII và XIX, các chủ đề cổ điển vẫn phổ biến hơn cả, với những đối tượng khỏa thân luôn có một vai nhất định trong các bức tranh lịch sử hay tôn giáo. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX, quan niệm về nghệ thuật nude đích thực lại một lần nữa đứng trước thách thức về giới hạn chính thống của mình bởi các họa sỹ của trường phái Ấn tượng. Eduard Manet gây ra một cú sốc không hề nhỏ trong công chúng với những bức họa phụ nữ khỏa thân trong những bối cảnh hết sức đời thường: “Déjeuner sur l”herbe” (1863) và “Olympia” (1865), trong khi Gustave Courbet thu hút vô số phê phán với bức chân dung một cô gái làng chơi hoàn toàn khỏa thân nằm trong tư thế chưa từng có và vô cùng khêu gợi trong tác phẩm mang tên “Woman with a Parrot” (Cô gái và con vẹt) (1866). Auguste Rodion lại đối đầu với hệ thống tỷ lệ lý tưởng kinh điển với bức tượng một phiên bản Adam “bị bóp méo”.

“Olympia”, Manet

“Woman with a Parrot” ,Gustave Coubert

“Adam” , Auguste Rodion

Những nền tảng cơ bản từng là tiêu chuẩn để đối tượng khỏa thân được chấp nhận trong nghệ thuật như: tỷ lệ hoàn hảo, khuôn dáng mang tính công thức ước lệ, bối cảnh sử thi hay tôn giáo trang nghiêm, tất cả đều lần lượt bị phá bỏ. Có không ít những chỉ trích, những phủ nhận và cấm đoán, vì vậy đây là giai đoạn bản lề mà nghệ thuật nude thực sự đã phải vật lộn để có thể tìm được tiếng nói cho riêng mình.

Khỏa thân trong những thể hiện mới của nghệ thuật hiện đại: bản năng và trừu tượng

Máy ảnh ra đời những năm đầu thế kỷ XX, đi liền với sự thâm nhập của nhiếp ảnh như một kỹ thuật mới trong sáng tạo nghệ thuật, bên cạnh bước thoái lui của cả những truyền thống hàn lâm và phong trào nghệ thuật Ấn tượng, nghệ thuật nude vẫn tiếp tục tiến bước, dưới sự cải tiến và dẫn dắt của những ý tưởng từ chủ nghĩa hiện đại. Thần Vệ nữ hoàn mỹ được thay thế bởi những cá nhân phụ nữ trong bối cảnh riêng tư, sự mô tả cầu kỳ và chi tiết cổ điển dần được thế chỗ bởi khuôn mẫu hiện đại và đơn giản hóa gợi nhớ lại những nữ thần đại diện chung cho khả năng sinh nở từ thời cổ đại nhiều hơn là một vị nữ thần cụ thể nào đó của thần thoại Hy Lạp.Những khuấy động bản năng từ các tác phẩm khỏa thân vì vậy cũng trở nên nổi bật hơn, nhiều đam mê hơn, và trở thành linh hồn của tác phẩm.

Red Nude (1917), Amedeo Modigliani, thuộc danh sách những tác phẩm có giá bán kỷ lục

Trong khi đó, khi bước chân vào thể loại trừu tượng, đối tượng khỏa thân được khai thác theo một cách hoàn toàn mới, cơ thể không được nhấn mạnh như một cấu trúc tổng thể cân bằng và hài hòa mà lại bị chia nhỏ và sắp đặt lại. Góc nhìn đa dạng, nội dung màu sắc và cảm xúc được nhấn mạnh thay vì đường nét, nghệ thuật nude qua đó tiếp tục được đào sâu thêm những khía cạnh mới.

“Nu debout” (1911), Jean Metzinger

“Reclining nude” (1932), Pablo Picasso

d. Khỏa thân trong nghệ thuật đương đại

Lucien Freud – một trong những biểu tượng của kỷ nguyên Hậu hiện đại, đã miêu tả chân thật cơ thể con người với không một dấu hiệu của cái đẹp thông thường, chứ chưa nói đến những khuôn mẫu hoàn mỹ, trong series tranh với một mẫu nude thừa cân. Với ông, khi tiếp cận với khỏa thân trong hội họa là ông đã “vẽ con người không phải bởi những gì nó có, cũng không chính xác là vẽ bất chấp những gì vốn là nó, mà ông vẽ cơ thể con người như cách thức mà nó ngẫu nhiên trở thành”.

Bức tranh sơn dầu “Benefits Supervisor Resting” (1994) của Freud gần đây đã lập kỷ lục với mức giá $56,165,000, thuộc chùm 4 tác phẩm mà ông gọi là “Fat Sue”.

Bên cạnh góc nhìn có phần gai góc, sống sượng, ảm đạm về cơ thể con người như một hướng đi mới cho nghệ thuật hình thể hay chân dung theo cách của Lucien Freud, các họa sỹ đương thời còn tiến xa hơn nữa khi phỏng theo phong cách cổ điển và sáng tạo ra “phiên bản parody cho những tác phẩm khỏa thân mang tính lịch sử”. Trong khi đó, sự lên ngôi của những phương thức tiếp cận nghệ thuật mới đã đẩy nghệ thuật nude ra khỏi mọi biên giới trước đây, trở nên hấp dẫn và đầy thách thức hơn bao giờ hết, nơi đối chọi mong manh của hiện thực và trừu tượng, nơi bản thân cơ thể dù đẹp hay không cũng phải là thứ đáng để khám phá, mà chính những hoàn cảnh khiêu dâm của bản thân cuộc sống mới là thứ cần đối mặt và phân tích sau từng ấy thời gian bị phớt lờ trong nghệ thuật.

Lisa Yuskavage với những châm biếm về cái nhìn của đàn ông dành cho phụ nữ

John Currin với bút pháp cổ điển ấn tượng

Phương thức thể hiện – vị trí của nghệ thuật nude

1. Ký họa

Ký họa hình thể là cách mà nghệ thuật khỏa thân nghiên cứu cơ thể con người trong những dáng điệu và tư thế khác nhau, với đường nét, hình dạng và cấu trúc từng bộ phận là đối tượng chủ đạo, chứ không phải là bản thân cá nhân con người là trung tâm của tác phẩm. Đây là điểm khác biệt của ký họa khỏa thân với thể loại chân dung. Bộ môn nghiên cứu hình thể người và sử dụng phương thức ký họa với mẫu nude, bắt đầu từ cuối giai đoạn Phục hưng, vô hình chung được coi là cách thức tốt nhất để học vẽ, và truyền thống này vẫn được duy trì cho đến nay.

2. Vẽ màu

Trải qua hàng thế kỷ, chất liệu sơn dầu ngày càng khẳng định mình là phương tiện lý tưởng nhất cho việc lột tả đối tượng khỏa thân. Tính pha trộn, sự chồng nhiều lớp màu cho phép thể hiện sống động bề mặt da – một trong những thách thức thú vị nhất với các họa sỹ trong hội họa nude. Thời gian khô lâu đi kèm với những mức độ khác nhau trong độ quánh của màu tạo điều kiện hoàn hảo cho các họa sỹ đạt đến sự pha trộn phong phú và tinh tế của màu sắc và kết cấu.

“Nude Maja” của Goya (1798)

3. Điêu khắc

Không thể phủ nhận sức chịu đựng của các chất liệu điêu khắc là một yếu tố quan trọng góp phần duy trì dòng chảy xuyên suốt trong nghệ thuật khỏa thân. Xác lập rồi lại phá vỡ những tiêu chuẩn của mình, thể loại điêu khắc đã tạo dựng nền tảng phong phú và tự do của nude art: từ dáng điệu, tư thế, tỷ lệ cho đến biểu cảm.

Chi tiết khảm mới lạ trong tác phẩm điêu khắc của Guy Portelli

4. Nhiếp ảnh

Khỏa thân ngay từ đầu là một trong những đối tượng của nhiếp ảnh kể từ khi mới ra đời loại hình này vào cuối thế kỷ XIX và đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nhiếp ảnh trở thành một bộ phận của nghệ thuật chính thống. Những nhiếp ảnh gia đầu tiên thường lựa chọn những dáng điệu, tư thế bắt chước các tác phẩm khỏa thân kinh điển trong hội họa.

Bức ảnh của Jean Louis Marie Eugène Durieu, thuộc serie hợp tác cùng họa sỹ Eugène Delacroix

Còn đây là bức tranh Odalisque (1857) của Eugène Delacroix

Cùng với sự công nhận nhiếp ảnh như một bộ phận riêng biệt của nghệ thuật thay vì chỉ là những nghiên cứu và thử nghiệm cho hội họa như ban đầu, nhiếp ảnh khỏa thân dần định hình một lối đi riêng cho mình: đi từ những dáng điệu trừu tượng đậm chất điêu khắc cho đến những thử nghiệm liều lĩnh nhằm xóa nhòa ranh giới của tiêu chuẩn thẩm mỹ và tính khiêu dâm.

5. New media

Cuối thế kỷ XX, một loạt những hình thức nghệ thuật mới ra đời, bao gồm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn hay nghệ thuật video, và những đối tượng khỏa thân trở thành chủ đề không thể không thử nghiệm.

Trình diễn nghệ thuật mang tên “Cut Piece” của Yoko Ono, ra mắt lần đầu năm 1964. Khán giả được yêu cầu lần lượt lên sân khấu và cắt đi từng mảnh quần áo trên người Ono cho đến khi cô hoàn toàn khỏa thân.

“Desert Spirits in Nevada”, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt quy mô lớn của nghệ sỹ Spencer Tunick

Kết luận

Đi từ sự ngưỡng mộ sâu sắc cơ thể con người như một hình dạng chung của nhân loại, cho đến tôn vinh sự đa dạng, độc đáo của từng cá nhân, từ nét đẹp hoàn mỹ thần thánh trong lý tưởng cho đến nét ảm đạm, chân thực trong những giới hạn thực tế, từ những giá trị thẩm mỹ kinh điển mẫu mực cho đến những thách thức không ngừng với các tiêu chuẩn thẩm mỹ truyền thống, nghệ thuật khỏa thân quả thật là một thành tựu kỳ lạ của nền văn hóa nhân loại, phong phú và khó hiểu như bản ngã con người. Và chừng nào con người còn đi tìm lời giải cho câu hỏi về bản thân mình, nghệ thuật nude sẽ vẫn còn tiếp tục đồng hành với dòng chảy nghệ thuật đương thời và phá vỡ những giới hạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *