Quản lí tài sản có (Asset Management)
Quản lí tài sản có – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Asset Management.
Khi đã hiểu được tại sao ngân hàng lại cần thanh khoản, trên cơ sở đó, hiểu được chiến lược cơ bản mà một ngân hàng theo đuổi trong quản lí tài sản có.
Quản lí tài sản có là hoạt động của ngân hàng thực hiện đối với tài sản có của mình nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận. Công việc này đòi hỏi phải đồng thời có được thu nhập cao nhất có thể từ các khoản tín dụng và chứng khoán; giảm thiểu rủi ro; và có tài sản dự phòng thanh khoản hợp lí. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Những cách quản lí tài sản có
1) Ngân hàng nỗ lực tìm kiếm những khách hàng sẵn sàng trả mức lãi suất cao và không có khả năng vỡ nợ. Thực hiện chương trình quảng bá tín dụng đến các doanh nghiệp, cử cán bộ tín dụng trực tiếp đến các khách hàng tiềm năng để trao đổi về chính sách tín dụng, qua đó sàng lọc những khách hàng tín dụng tốt, có khả năng hoàn trả nợ vay và lãi suất đầy đủ đúng hạn.
Thông thường, các ngân hàng rất thận trọng trong chính sách tín dụng của mình, tỉ lệ vỡ nợ thường chỉ dưới 1%. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không bảo thủ, chặt chẽ đến mức dễ dàng bỏ qua những cơ hội cho vay an toàn, có lãi suất cao.
2) Ngân hàng nghiên cứu, phân tích để tìm mua chứng khoán có thu nhập cao và rủi ro thấp.
3) Trong quá trình quản lí tài sản có, ngân hàng phải nỗ lực giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư và cho vay. Để thực hiện được việc này, ngân hàng sẽ phải mua nhiều loại chứng khoán khác nhau (ngắn hạn và dài hạn, chính phủ trung ương và chính phủ địa phương), và cấp nhiều loại tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Một ngân hàng nếu không nhận thức được lợi ích từ việc đa dạng hóa danh mục tài sản, thì có thể sẽ hối tiếc sau này.
Ví dụ, một số ngân hàng Mỹ đã đầu tư quá tập trung chỉ vào một lĩnh vực như năng lượng, bất động sản, hay nông nghiệp đã phải chịu thua lỗ nặng nề trong những năm 1980, bởi vì giá cả hàng hóa thuộc các lĩnh vực này đã giảm sâu một cách nhanh chóng. Một số ngân hàng phải phá sản do đã “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ”.
4) Ngân hàng phải quản lí mức độ thanh khoản của tài sản sao cho đáp ứng được yêu cầu dự trữ bắt buộc mà không phải chịu chi phí quá cao. Điều này có nghĩa là, ngân hàng có thể nắm giữ một lượng chứng khoán thanh khoản nhất định cho dù mức sinh lời của chúng thấp hơn các tài sản khác.
Ngân hàng phải quyết định, ví dụ, dự trữ vượt mức phải nắm giữ là bao nhiêu để tránh được chi phí cao khi có dòng tiền gửi chảy ra. Hơn nữa, ngân hàng có xu hướng nắm giữ trái phiếu chính phủ làm dự trữ thứ cấp, bởi vì ngay cả khi có dòng tiền gửi chảy ra, làm cho ngân hàng phải chịu một khoản chi phí nhất định, thì đó cũng không phải là điều tồi tệ nhất.
Sẽ là không sáng suốt đối với nhà quản lí ngân hàng quá bảo thủ, ví dụ, để tránh toàn bộ chi phí liên quan đến dòng tiền gửi chảy ra, ngân hàng áp dụng chính sách duy trì dự trữ vượt mức thật dư dật, trong khi dự trữ không sinh lãi suất! Còn nếu áp dụng chính sách dự trữ vượt mức quá mỏng (quá ít), thì gặp rủi ro thanh khoản!
Như vậy, ngân hàng cần phải cân bằng được mong muốn thanh khoản (không sinh lời hoặc sinh lời thấp) với việc tăng lợi nhuận bằng cách nắm giữ những tài sản sinh lời cao nhưng ít thanh khoản. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)