Phương pháp Thiền quán là gì?
Cùng với thiền chỉ, thiền quán được xem là một trong hai phương pháp thiền được coi là phương tiện tuyệt vời nhất đưa đến nhất tâm và tăng trưởng trí huệ.
Trong Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật từng giải thích về 2 phương pháp thiền này như sau: “Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, hai pháp cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, hai pháp này cần phải tu tập. Để biến tri tham, này các Tỷ-kheo,… để biến tận, để đoạn tận, để trừ diệt, để biến diệt, để ly tham, để đoạn diệt, để xả bỏ, để từ bỏ tham, hai pháp này cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán… Để thắng tri, để biến tri sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, san tham, man trá, phản trắc, cứng đầu, cuồng nhiệt, mạn, quá mạn, kiêu căng, phóng dật,… để biến tận, để đoạn tận, để trừ diệt, để biến diệt, để ly tham, để đoạn diệt, để xả bỏ, để từ bỏ sân… phóng dật, hai pháp này cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán hai pháp này cần phải tu tập”.
Vậy thiền quán được hiểu cụ thể như thế nào?
Thuật ngữ Pāli, Vipassanā là một sự kết hợp của hai từ: Vi + passana. Vì nghĩa sự khác nhau và passana dịch là hiểu đúng hay chánh niệm (sati) tỉnh giác về thân và tâm. Thuật ngữ Vipassanā cũng được hiểu là “sự thấu hiểu”, nghĩ là cái nhìn sâu vào ba đặc tính tổng quát của sự tồn tại (tan pháp ấn): vô thường, khổ và vô ngã. Nói cách khac,s thực hành pháp môn thiền quán được gọi là Thiền Minh sát, nó bắt nguồn từ ý Pāli có nghĩa là tuệ minh sát 7.
Giải nghĩa tiếng Việt, thiền là phương pháp làm tâm ngưng lắng hết thảy mọi phiền não. Quán là nhìn sâu vào trong lòng của đối tượng để nhận rõ tác nhân, tác duyên, bản chất cũng như tác dụng của chúng.
Hiểu một cách đơn giản, thiền quán được gọi là thiền tiến trình, không tập trung vào một đề mục cố định nào thay vào đó phát huy khả năng định tâm trên những đề mục thay đổi như là phương tiện để kiểm chứng bản chất tiến trình thân tâm. Thiền quán là nhìn sâu để thấy rõ bản chất sự việc.
Tác giả Jack Kornfield chia sẻ, những người tu tập thiền quán để phát huy tâm từ bỏ, thấy mà coi như là không thấy đối với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, đối với tâm thức và đối tượng tâm thức. Đáng lẽ ra, tập trung vào một đề mục nào đó thì ta lại tập trung vào sự thay đổi liên tục của thân tâm lấy nó làm đề mục. Qua sự quan sát rõ ràng và thăng bằng, chúng ta thực sự đạt đến tuệ giác và trí tuệ.
Kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, Đức Phật dạy bốn phương pháp thiền gồm:
- Quán niệm thân thể: Thực tập phương pháp này hành giả phải thấy rõ và làm chủ mọi động tác của thân thể. Phải biết một cách đích thực những gì đang diễn ra ở trong và ngoài cơ thể.
– Quán niệm về cảm giác: Với phương pháp này, hành giả sử dụng mọi cảm giác làm đối tượng quán niệm. Tức là hành giả không đồng tình theo cảm giác dễ chịu, và cũng không đối kháng lại với cảm giác khó chịu hoặc không để ý thức quán niệm bị quên lãng giữa những cảm giác không phải dễ chịu mà cũng không khó chịu. Đó là cảm giác từ tâm.
– Quán niệm về tâm ý: Thực tập phương pháp này, hành giả sử dụng các yếu tố tạo nên tâm ý, làm đối tượng quán niệm. Khi các yếu tố như tham, sân, si… có mặt nơi tâm ý, thì hành giả đưa ý thức tỉnh giác, ý thức chánh niệm đi kèm và có mặt một cách đích thực ở trong các yếu tố tạo nên tâm ý xấu ấy, để nhận rõ sự có mặt và tính chất nguy hại của chúng…
– Quán niệm về pháp: Thực tập phương pháp này, hành giả có thể sử dụng các pháp thuộc về nhân duyên như Năm uẩn, Mười hai xứ, Mười tám giới làm đối tượng để quán niệm…
Bốn phương pháp này là căn bản của hết thảy mọi pháp môn thuộc về thiền quán. Không có hành giả Thiền tông nào mà không khởi hành đầu tiên bằng bốn phương pháp này.
Thực tập bốn phương pháp này trong đời sống hàng ngày, qua mọi tác động của thân thể, qua các cảm thọ, các tri giác, các tư niệm, qua sự tiếp xúc của các căn, trần và thức từ nội pháp, đến ngoại pháp, từ tục đế đến chân đế, là hành giả đang đi trên Thánh đạo, đang tiến dần đến đời sống giải thoát, an lạc và có thể đạt được Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại. Bởi vậy, Đức Phật dạy: “Có một con đường đưa chúng sanh đến thanh tịnh, vượt qua sự lo lắng, sợ hãi, diệt trừ khổ não, chấm dứt khóc than, thành đạt Chánh pháp, đó là Bốn lãnh vực quán niệm”.
Ngài khuyến tấn: “Nếu thực tập bốn phương pháp này với tâm ý tha thiết, thuần nhất, thì buổi sáng thực tập, buổi chiều đã đạt được sự thăng tiến, hoặc buổi chiều bắt đầu thực tập, thì sáng mai đã đạt được sự thăng tiến”.
Đức Phật còn dạy: “Các Đức Như Lai ở thời quá khứ, ở thời hiện tại, hay ở thời tương lai, các Ngài đạt được Bậc chánh giác, Bậc không còn bị mắc kẹt bởi điều gì, Bậc chặt đứt năm sự ngăn che, Bậc dứt sạch hết mọi cấu uế nơi tâm, Bậc loại trừ hết mọi yếu ốm của tuệ, Bậc đạt được sự hiểu biết chơn chánh, Bậc đạt được địa vị giác ngộ cao nhất, chính là do các Ngài đã, đang và sẽ thiết lập tâm an trú vững chãi vào Bốn lĩnh vực quán niệm này”.
Khác với thiền quán, phương pháp thực tập thiền chỉ là tập trung tâm vào một đối tượng sâu sắc và giúp cho tĩnh tâm tĩnh lặng. Trong các bản văn, ý nghĩa của samatha được giải thích là: Paccanīkadhamme same-tīti samatho, có nghĩa là pháp đã thanh lọc và loại bỏ được pháp đối nghịch được gọi là samatha.
Theo Thích Trung Định, thiền chỉ liên quan trực tiếp đến sự an định tâm trí về một đối tượng tượng thiền thích hợp, nhằm ngăn chặn sự phóng túng và vọng tưởng trong tâm. Khi tâm trí tập trung sẽ phát sinh niềm an lạc tinh tế, sự thú vị bởi chấm dứt các dục và các bất thiện pháp. Samatha là một công cụ mạnh mẽ để thực hành thiền minh sát có hiệu quả. Bất cứ ai đạt được thiền chỉ, tâm trí của họ trở nên vắng lặng, giống như một hồ nước hoàn toàn yên lặng trong suốt vô ngần không có một gợn sóng lăn tăn làm khuấy động mặt hồ. Có thể nói, đây là sự thực hành trong sự tập trung tâm, làm cho tâm ý của chúng ta ngưng tụ lại lắng dịu xuống.