Lươn là loài cá đồng ăn tạp, nhưng thức ăn của lươn là thức ăn động vật, đói lắm mới chịu nhấm nháp những rễ non của bèo, cỏ mọc ven mép nước. Thức ăn hấp dẫn nhất đối với lươn là loại mồi có mùi tanh tưởi. Vì vậy câu lươn với mồi trùn, mồi nhái, mồi lươn con, hoặc mồi cá thòi lòi thì… không có loại mồi nào nhạy bằng, vì các loại mồi này rất tanh.
Lươn có khứu giác rất nhạy, nhờ đó mà nó đánh hơi được mùi thức ăn, và khi nhận thấy thức ăn đó hợp với khẩu vị thì lươn tức tốc tìm đến ngay chỗ có mồi hấp dẫn để ăn. Và tuy bản tính đa nghi, nhưng trước sau nó cũng không thể chê món mồi mà nó ưa thích. Dù mũi nhạy nhưng mắt kém nên trong đời sống hoang dã việc tìm mồi của lươn tương đối khó khăn.
Như chúng ta đã biết lươn sống chủ yếu bằng thức ăn động vật, mà trong môi trường sống bên ngoài của chúng loại thức ăn này không hiếm, nhất là trong mùa mưa các loài sinh sôi nẩy nở rất dồi dào, vì vậy các loại cá tôm nói chung trong mùa này đều mập.
Lươn con vừa nở ra dã có nguồn thức ăn phong phú dành sẵn cho nó, đó là loại ấu trùng của muỗi như lăng quăng, ấu trùng của chuồn chuồn như con bà mụ, đó là chưa kể nhiều loài động vật dạng này tuy nhỏ, nhiều con cực nhỏ mắt thường không trông thấy, nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp lươn con tăng trọng nhanh.
Lươn lớn, ngoài những thức ăn vừa kể, chúng còn ăn thêm nòng nọc, ếch nhái nhỏ, cá con, tôm tép, cua đồng, ốc, trùn đất, và các loại côn trùng khác… Tóm lại, trong đời sống hoang dã, lươn không thiếu mồi để ăn, nhất là trong mùa mưa. Do tạp ăn nên chúng cứ “năng nhặt chặt bị” siêng năng kiếm mồi cả đêm, gặp thức gì ăn thức ấy.
Với lươn nuôi trong ao hồ, nếu thức ăn động vật tại địa phương không nhiều, hoặc khi có khi không, hay giá bán quá cao thì cách tốt nhất là nên nuôi lươn bằng loại thức ăn nhân tạo. Đó là thức ăn do chủ nuôi tự chế biến, trong đó có thức ăn đạm động vật và thức ăn đạm thực vật, theo công thức riêng của mình.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng nuôi lươn công nghiệp bằng loại thức ăn này. Điều tiện lợi trước mắt mà người nuôi lươn nhận được là không phải lo thiếu hụt nguồn thức ăn cần thiết để nuôi lươn, vì không phải lệ thuộc cả một trăm phần trăm thức ăn động vật, vốn không mấy dồi dào, mà giá cả lại có chiều hướng càng ngày càng tăng cao. Quả thật, nếu chỉ dựa vào nguồn thức ăn động vật để nuôi tôm cá nói chung lắm khi gặp sự bất ổn: nguyên nhân chính là do số người đến với nghề nuôi cá càng ngày càng nhiều, nên thức ăn từ đó mà khan hiếm dần, dẫn đến giá cả cứ tăng lên. Trong khi đó, thức ăn thực vật lại lúc nào cũng có sẵn, giá cả lại hợp lý.
Nguồn thức ăn đạm động vật dành nuôi lươn là trùn, giòi, cá tạp, tôm tép vụn, cua đồng, ốc bươu vàng, ốc sên, nhộng tằm, các chế phẩm từ lò mổ…
Nguồn thức ăn thực vật có từ cám gạo, tấm gạo, bột bắp, bột đậu, bã đậu nành, các loại củ quả…
So với thức ăn động vật, thức ăn thực vật vừa rẻ tiền lại gần như có sẵn quanh năm, không sợ khan hiếm.
Để giảm bớt một phần phí tổn về thức ăn nuôi lươn, chúng ta nên biết tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương mình để vừa được mua giá rẻ, vừa giảm được phí tổn chuyên chở, và nhất là không sợ bị thiếu hụt. Ví dụ nuôi lươn ở các vùng có ốc bươu vàng bán với giá rẻ mạt, chẳng lẽ ta lại không tận dụng nguồn thức ăn này để nuôi lươn mà lại bươn bã đến những vùng xa để mua cá tạp với giá cao hơn gấp nhiều lần?
Do tập tính ăn uống của lươn chủ yếu là thích thức ăn động vật, nên trong công thức pha trộn thức ăn nhân tạo bao giờ ta cũng phải tăng tỷ lệ thức ăn dạm động vật cao hơn thức ăn đạm thực vật. Sự pha trộn đó phải đạt được mục đích mong muốn là vừa rẻ tiền lại vừa bảo đảm có độ dinh dưỡng cao mới tốt. Ví dụ:
– 70 phần trăm đạm động vật + 30 phần trăm đạm thực vật.
Hoặc tốt hơn:
– 80 phần trăm đạm động vật + 20 phần trăm đạm thực vật.
Thức ăn đạm động vật nên bằm nhỏ hay xay nhuyễn, có thể nấu chín hay để sống như vậy cho lươn ăn. Còn thức ăn đạm thực vật cần được nấu chín, sau đó để nguội rồi trộn đều tất cả hai thành phần này lại mới cho lươn ăn. Tốt nhất là nên trộn vào đó 1 phần trăm bột lá gòn để tạo độ kết dính giúp thức ăn nhân tạp đỡ bị hao hớt.
Nếu nuôi nhiều và có điều kiện, ta nên dùng máy ép thức ăn thành dạng viên hay dạng sợi, sao cho vừa miệng của lươn để tiện lợi hơn nhiều.
Khi cho lươn ăn, thức ăn thường được đựng trong cái sàng (đan bằng tre) bằng cái mâm lớn, cột dây như quang gióng để giữ thăng bằng, rồi thả xuống gần sát đáy ao cho lươn đến ăn.
Sở dĩ phải thả sàng thức ăn xuống sâu như vậy là vì giống lươn có thói quen tìm mồi ở tầng đáy. Nếu diện tích ao hồ rộng thi cho ăn nhiều hơn, nhưng địa điểm cho ăn không nên dời đổi, như vậy là tập cho lươn nuôi có thói quen tốt, hễ tới bữa là biết tìm chỗ ăn cũ để tìm mồi.
Có điều như quý vị đã biết, lươn rất dị ứng với thức ăn mới, vì có mùi vị lạ so với thức ăn quen thuộc trước đây của chúng. Một khi chúng đã ăn quen với loại thức ăn nào thì chúng khó chấp nhận thức ăn mới, dù ngon hơn. Do lẽ đó nhiều người nuôi lươn trước sau chỉ cho lươn ăn mãi một loại thức ăn. Nhưng cũng có nhiều người chủ trương ngược lại: không cho lươn ăn mãi một loại thức ăn nào, mà cho ăn nhiều loại khác nhau. Nay cho lươn ăn loại thức ăn này, mai lại đổi sang loại thức ăn khác. Cho ăn như vậy là họ cố tình tập cho lươn biết ăn tạp hơn, bỏ hẳn thói quen kén chọn gây phiền phức cho người nuôi.
Ước muốn của người nuôi thì như vậy, nhưng liệu vật nuôi có dễ dàng bỏ hẳn thói quen cố hữu của chúng hay không?
Dù nuôi lươn với thức ăn gì đi nữa, nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó cần phải thay đổi thức ăn khác, thì điều quan trọng là không nên thay đổi thức ăn đột ngột, vì như vậy lươn sẽ bỏ ăn.
Tốt nhất là nên chuyển đổi từ từ, nay một ít, mai một ít để giúp lươn có đủ thời gian tập quen dần với mùi vị của thức ăn mới.
Ví dụ trong vài ba ngày đầu, hoặc suốt tuần lễ đầu, tới bữa ta vẫn cung cấp cho lươn thức ăn cũ, nhưng trong đó có pha trộn một phần rất nhỏ thức ăn mới. Rồi những bữa kế tiếp, lượng thức ăn mới được tăng dần lên, và lượng thức ăn cũ bớt dần lại… cho đến khi lươn không còn phân biệt được thức ăn mới cũ ra sao nữa, từ đó ta mới nuôi chúng với thức ăn mới.
Còn một cách tập luyện khác là nhận biết lươn có khả năng nhịn đói được nhiều ngày, chỉ ốm mà không chết nên khi cần thay đổi thức ăn, ta cứ để mặc cho lươn nhịn đói ba bốn ngày cho đến khi dạ dày chúng trông rỗng, hy vọng khi cho thức ăn mới, dù có lạ miệng chúng cũng phải ăn cho đến căng bụng vì cơn đói đang cồn cào… Nếu kết quả đúng như vậy thì đó là điều đáng mừng. Ta cứ kiên nhẫn tập thêm vài lần như vậy lươn sẽ quen dần với thức ăn mới.
Trong thời gian tập luyện như vậy, cứ sau mỗi bữa cho lươn ăn, ta phải năng theo dõi để biết thức ăn bữa trước còn thừa thiếu ra sao, để qua đó mà có cách xử lý thích hợp. Nếu trong sàng thức ăn còn thừa nhiều, điều đó có nghĩa số lươn nuôi trong ao hay hồ đó đã chê thức ăn mới. Ngược lại, nếu bữa nào thức ăn cũng hết sạch thì đó là chuyện đáng mừng.
Quý vị cũng biết, mỗi ngày ta chỉ cần cho lươn ăn một bữa duy nhất mà thôi. Cho ăn bữa tối, khoảng 18 giờ mỗi ngày, vì thói quen của lươn chỉ ăn mồi vào ban đêm.
Chỉ chờ lúc tối trời, lươn mới rời khỏi hang hay rời nơi trú ẩn của nó để đi ăn suốt đêm, vì vậy sàng đựng thức ăn đặt xuống nước phải để cả đêm cho lươn ăn từ từ. Sáng hôm sau, cái sàng đó mới được kéo lên. Nếu thấy thức ăn còn thừa phải đổ bỏ, đừng tiếc, vì thức ăn đã ngâm trong nước qua đêm đó đã thiu thối, không nên cho lươn ăn tiếp.
Trung bình mỗi ngày lươn tiêu thụ một lượng thức ăn bằng 7 phần trăm trọng lượng thân nó. Nhưng lươn ăn mạnh hay yếu còn tùy thuộc vào khí hậu từng mùa trong năm.
Tại miền Bắc nước ta, mùa hè lươn ăn mạnh, nhưng qua mùa đông sức ăn của chúng kém hẳn đi, có trường hợp bỏ ăn nếu năm đó thời tiết quá lạnh. Trong mùa sinh sản lươn cũng ăn cầm chừng, vì chúng còn phải lo canh giữ ổ trứng và con. Còn tại miền Nam, do khí hậu nóng ẩm quanh năm nên mùa nào lươn cũng ăn mạnh, cũng hoạt động mạnh, do đó chúng mới mau tăng trọng, và sinh sản cũng nhanh.
Cần phải thường xuyên theo dõi sức ăn của lươn. Nếu cho thức ăn mới nhiều ngày liền mà lươn vẫn không chịu ăn thì nên kịp thời thay đổi thức ăn khác. Nếu cho ăn thiếu, lươn sẽ không đủ sức để sinh trưởng tót. Cho ăn thiếu lại còn gây ra một hậu quả tệ hại là vô tình tạo cơ hội cho chúng ăn thịt lẫn nhau. Ngược lại, nếu cung cấp thức ăn quá nhiều, chúng có thể chết vì chứng bội thực. Đó là chưa nói đến việc thức ăn thừa này, nếu không xử lý kịp thời dễ làm môi trường sống của lươn bị ô nhiễm, gây ra nhiều thứ tật bệnh cho chúng.
Việc sắp xếp nhiều thân cây chuối xuống đáy ao như cách người mình nuôi lươn trước đây cũng có công dụng tốt: ngâm nước một thời gian, phần ruột bên trong cây chuối bị mục nát, lươn sẽ chui vào đó vừa tìm thức ăn vừa có chỗ trú ẩn yên tĩnh lý tưởng.