Các tác phẩm điêu khắc bằng đồng (tượng, phù điêu, tranh…), các vật dụng hay những đồ tạo tác bằng đồng thường là những tạo vật có giá trị. Giá trị của chúng càng cao nếu tuổi của chúng càng lớn. Giá trị sẽ vô cùng lớn nếu chúng là những món đồ cổ. Chúng sẽ là vô giá nếu đạt niên đại đến hàng trăm năm, hàng ngàn năm.
Vậy nên thế giới đồ cổ nhìn chung khá là phức tạp, tuy nhiên về căn bản, chúng ta có thể phân biệt đồ cổ thành 4 loại như dưới đây:
1. Đồ cổ: Là những món đồ (tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác, vật dụng…) nguyên bản (bản gốc và duy nhất), có tuổi từ trăm năm, có lai lịch, có ý nghĩa về lịch sử, nghệ thuật, văn hoá, xã hội… Càng lâu đời, đồ cổ càng có giá trị.
2. Đồ giả cổ: Là những món đồ được sao chép chính xác từ chất liệu đến hình dáng, kích thước, màu sắc… của món đồ cổ nguyên bản. Theo luật định (quốc gia và thế giới) việc sao chép phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cổ vật, được sự đồng ý của tác giả hay chủ sở hữu món đồ cổ đó thì mới được tái bản và món đồ đó được gọi là đồ giả cổ.
3. Đồ cổ giả: Là những món đồ được (cá nhân hoặc tổ chức) tự ý sản xuất (sao chép) theo mẫu của món đồ cổ nguyên bản mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu món đồ đó cũng như không xin phép và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cổ vật.
4. Đồ phỏng cổ: là một khái niệm khá rộng cả về mặt không gian và thời gian cũng như kỹ thuật và nghệ thuật. Nói chung, đồ phỏng cổ được chia ra làm hai trường phái. Một là được phép sai lệch so với nguyên bản, không chính xác từ nguyên vật liệu cho đến hình dáng, thậm chí nhiều chi tiết có thể được thêm bớt; và hai, có thể gọi là những đồ “sao chép lại” từ tác phẩm (bản) gốc, tuy nhiên thật sự nó không tương đồng với khái niệm “tranh chép” trong hội họa.
Những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới từ thời cổ đại như tượng lực sĩ ném đĩa – Discobolus (460-450 TCN), tượng Nữ thần chiến thắng – Nike of Samothrace (220-190 TCN) hay tượng thần Vệ nữ – Aphrodite de Milos (130-100 TCN)…, đều được điêu khắc bằng đá cẩm thạch với kích thước lớn. Những Thế kỷ sau đó (do nhu cầu tái tạo hoặc trưng bày) các tác phẩm này được sao chép lại bằng đồng với nhiều loại kích thước mà đa phần nhỏ hơn nhiều so với bản gốc.
Các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng về sau như tượng Nụ hôn – Francessa da Rimini (Thế kỷ XIII), tượng Davit, tượng Đức mẹ sầu bi – Pieta của Michelangelo (vào thời Phục hưng), tượng Apollo và Daphne của Lorenzo Bernini (vào thời Baroque và Rococo), hay tượng người suy tưởng – The Thinker (Auguste Rodin, 1840-1917) và phần lớn các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng trong thời hiện đại và đương đại… (theo một quy trình hợp pháp hoặc bán hợp pháp) đều được sao chép lại thành rất nhiều các phiên bản với đủ loại kích thước khác nhau, phù hợp với nhu cầu của giới sưu tập hoặc nhu cầu trang trí nơi công cộng, sân vườn hay tính ứng dụng trong nội thất nhà ở. Việc sao chép này đôi khi (theo thông lệ) cũng cho phép thêm bớt hoặc điều chỉnh một vài chi tiết so với bản gốc, mục đích là để phù hợp với vật liệu sử dụng, kỹ thuật chế tác và không gian trang trí…
Trong thực tế, “sao chép lại” tượng là một công việc đòi hỏi kỹ năng rất cao cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Chỉ có sự kết hợp hoàn hảo giữa nhà điêu khắc thực hiện việc sao chép (vật mẫu ở nhiều kích thước) và xưởng đúc thì mới có thể cho ra những sản phẩm thể hiện được chính xác các tỷ lệ theo không gian ba chiều, vẻ đẹp cũng như thần thái… giống như tác phẩm gốc. Nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng trong sáng tác đồng thời cũng rất thành công trong “sao chép lại” (các tác phẩm phiên bản).
Từ khoảng giữa Thế kỷ XIX cho đến nay, mặc dù ban đầu tượng đồng mỹ thuật được tạo ra là một vật thể duy nhất. Tuy nhiên sau đó, từ tác phẩm gốc, nhà điêu khắc (hoặc người thừa kế) sẽ thường cho phép (các xưởng đúc) sản xuất với số lượng giới hạn nào đó các phiên bản giống hệt nhau ở nhiều loại kích thước khác nhau. Đối với các xưởng đúc đã mua bản quyền thành công, nếu khuôn đúc gốc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, họ thậm chí được phép sử dụng chính khuôn đúc của tác phẩm gốc với chữ ký của nhà điêu khắc nguyên mẫu trên đó để cho ra các tác phẩm phiên bản giống hệt từ chân tơ kẽ tóc (có chăng về giá trị chỉ khác nhau ở thời điểm đúc) với số lượng cực kỳ giới hạn. Điều này cho phép các tác phẩm được phân phối thương mại, mang lại lợi ích kinh tế cho cả nghệ sĩ điêu khắc, các xưởng đúc, hệ thống cửa hàng bán lẻ và giới sưu tập.
Như vậy “đồ phỏng cổ”, có thể nói, vẫn là những tạo vật hợp pháp, giá trị của chúng tuỳ thuộc vào tuổi của sản phẩm, vật liệu sử dụng, tính xác thực của điêu khắc gia tạo mẫu và xưởng đúc làm nên tạo vật. Phân khúc đồ phỏng cổ có bản quyền về giá thành chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần (do giới hạn về số lượng, tiêu chuẩn chất lượng đồng khắt khe, tay nghề các nghệ nhân đúc đồng) so với phân khúc đồ phỏng cổ dành riêng cho lĩnh vực thuần trang trí.
Một thực tế là, hiện nay, các tác phẩm điêu khắc giá trị và nổi tiếng, hiện diện ở trong các không gian nội, ngoại thất, các gallery…,thậm chí cả ở các bảo tàng, mà công chúng được thưởng lãm, phần lớn (nếu không nói hầu hết) là “đồ phỏng cổ”.
Do đồ cổ có giá trị lớn như vậy nên đồ đồng cổ bị làm giả khá nhiều và rất tinh vi mà nhiều khi chỉ các chuyên gia mới có thể phân biệt được.
Trong đồ trang sức bằng đồng, các phần mạ được gắn vào đồ vật bằng mối hàn. Khi sử dụng kính hiển vi quét điện tử người ta phát hiện trong mối hàn có cadmi. Thời cổ đại người ta sử dụng các mối hàn cứng bằng đồng còn các mối hàn mềm bằng chì hay thiếc. Các mối hàn bằng vàng chứa cadmi mới chỉ được sử dụng từ những năm 1850 trở lại đây do Cadmi là nguyên tố khó phân lập vì dễ bay hơi. Như vậy có thể kết luận rằng, các mối hàn chứa vàng và cadmi không thể có niên đại trước những năm 1850.
Để xác định niên đại của đồ cổ người ta sừ dụng phương pháp đồng vị phóng xạ, mà phổ biến nhất là đồng vị các bon C14. Tất cả các phương pháp thủ công như nung phát quang cũng là một cách để xác định niên đại. Nói chung các phương pháp xác định niên đại kể trên không thật hoàn hảo. Người ta phải tính đến nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến sự chính xác của các phép đo hoặc phải làm theo nhiều cách để đối chiếu với nhau.
Đồ đồng cổ được cấu tạo bởi nhiều thành phần khác với đồ đồng hiện đại do phương thức sản xuất khác nhau, nên dựa vào đó có thể phân định được tính xác thực của đồ vật đó.
Cũng có thể nhận biết đồ đồng cổ thông qua chu kỳ bán hủy. Trong đồ đồng cổ có chứa một số nguyên tố như kali, thori hay uran. Dựa vào sự phân hủy phóng xạ của những chất này, có thể biết được thời gian hay niên đại của món đồ đồng cổ đó.
Các phương pháp phân biệt đồ cổ phức tạp là thế và một người tiêu dùng bình thường khó lòng có thể xác định được giá trị thật nếu không phải là một chuyên gia. Vì vậy tại Trâm Anh Antiques, chúng tôi cam kết và chủ trương sưu tầm các vật phẩm, đồ tạo tác tinh tế chuyên cho mục đính trang trí nghệ thuật theo trường phái cổ điển với 2 phân khúc chính:
1. Luxury (thuần trang trí):
+ Dành cho quý vị yêu thích nghê thuật, đồ trang trí cao cấp, yêu nét đẹp cổ điển vượt thời gian, mong muốn nâng tầm thẩm mỹ không gian sống, làm tăng giá trị thêm cho ngôi nhà của quý vị.
+ Một lựa chọn quà tặng hoàn hảo, tinh tế cho gia chủ, những người thân yêu có gu (gout) thẩm mỹ cao và các đối tác quan trọng trong mọi lĩnh vực vào những dịp đặc biệt nhất.
2. Limited (phiên bản giới hạn): dành cho giới sưu tập, mong muốn sở hữu những phiên bản có bản quyền, tinh xảo, hoàn hảo và đạt chuẩn nhất từ vật liệu đến độ chính xác của từng chi tiết.
Với đa dạng kích thước và chủ đề, Trâm Anh Antiques Gallery hứa hẹn là một địa điểm hội tụ những tác phẩm đi vào lòng người, mang nét đẹp tinh tế, sang trọng và ấm cúng của nghệ thuật cổ điển, giúp đánh thức và thổi hồn mọi không gian sống bằng vẻ đẹp vượt thời gian của mình.