Có một nền tảng Phát âm tốt là điều kiện tiên quyết để chúng ta ghi điểm trong bài thi IELTS Speaking và xa hơn là giao tiếp tiếng Anh trôi chảy. Vậy, làm thế nào để cải thiện Phát âm? Dưới đây là một kỹ thuật rất hữu hiệu có tên: SHADOWING. (Tạm dịch: Bắt chước Phát âm). Cùng tìm hiểu SHADOWING là gì và cách ôn luyện nhé.
Nếu bạn đang cần ôn luyện Phát âm và không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS phía trước, hãy tham khảo khóa Pronunciation – 4 buổi luyện Phát âm chuẩn IPA của The IELTS Workshop. Bạn sẽ được ưu đãi 80% học phí khi đăng ký cùng các khóa luyện thi IELTS.
SHADOWING là gì?
Shadowing (Kỹ thuật cái bóng) là kỹ thuật bắt chước âm (sound), độ nhấn nhá (stress) và ngữ điệu (intonation) của người bản xứ ngay sau khi nghe họ phát âm.
Các bạn cứ tưởng tượng như mình nghe 1 ca sĩ hát rồi cố gắng hát với giọng và độ trầm bổng y như họ vậy. Bằng cách này, tuy nhiên là với tiếng Anh, bạn sẽ dần có được không chỉ phát âm chuẩn (vì bạn phát âm giống hệt cách người bản xứ làm) mà còn có được 1 giọng tiếng Anh (accent) rất tây nữa!
Vậy, SHADOWING giúp bạn thế nào?
Kỹ năng Nói và Phát âm tiếng Anh vẫn là một trong những điểm yếu của người Việt khi học ngoại ngữ này. Thói quen ‘đánh vần tiếng Anh’, ngại nghe, ngại giao tiếp và không được tiếp xúc với các tài liệu bản ngữ,… là một trong những nguyên nhân khiến không ít người vẫn loay hoay với kỹ năng cơ bản này dù đã học qua không biết bao nhiêu trường lớp.
SHADOWING sẽ giúp bạn phát triển tất cả các khía cạnh của kỹ năng Nói, bao gồm Phát âm (Pronunciation), Ngôn điệu (Prosody) và Nhịp điệu (Rhythm).
- Phát âm đúng
Các âm tiếng Anh đòi hỏi người nói phải sử dụng môi, lưỡi, răng và cổ họng khác hẳn với các âm tiếng Việt quen thuộc. Vốn dĩ lí do ta không phát âm đúng, đơn giản vì cơ thể chúng ta chưa quen với việc đổi từ các âm khá nặng (tiếng Việt) sang các âm nhẹ hơn (tiếng Anh).
Khi cố gắng bắt chước những âm thanh tiếng Anh, chúng ta cũng đang luyện tập cho cơ thể ‘quen’ với việc tạo ra các âm này, không áp dụng những quy tắc phát âm tiếng Việt với tiếng Anh nữa. Từ đó, ta xây dựng được giọng tiếng Anh gần với giọng bản ngữ.
- Cải thiện ngôn điệu và nhịp điệu
Ngôn điệu – Prosody giống như “âm nhạc” của một ngôn ngữ. Nó là cách ngắt nhịp, cao độ, ngữ điệu khác nhau trong một câu hoặc trong một cuộc hội thoại. Còn rhythm đề cập đến trọng âm và tốc độ khi nói.
Ví dụ, trong tiếng Anh Mỹ, chúng ta thường nâng cao độ ở cuối câu để báo hiệu một câu hỏi. Đó là một ví dụ của ‘prosody’.
Tùy theo từng accent sẽ có sự khác nhau trong ngôn điệu. Người học từ đó dựa vào SHADOWING mà ôn luyện theo accent mình hướng tới.
- Nói trôi chảy, tự nhiên
SHADOWING giúp hình thành phản xạ tốt hơn khi nói. Cụ thể hơn, nó tạo ra những liên kết trong não bộ khi thiết lập những âm thanh, từ ngữ và câu một cách nhanh và chính xác. Nếu bạn muốn lên một ‘level’ tiếng Anh cao hơn dựa trên nền tảng là sự trôi chảy và tự nhiên, thì đây là kỹ thuật bạn nên áp dụng.
Ngoài ra, kỹ thuật này phần nào giúp người học ngoại ngữ bỏ thói quen ‘tự dịch qua lại trong đầu’ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh – một trong những rào cản cho việc tiếp thu và giao tiếp tiếng Anh.
SHADOWING dành cho ai?
Hãy thử tượng tượng việc bạn luyện tập SHADOWING giống như cách một em bé bắt đầu học nói trước khi hiểu được những gì mình nói ra. Tới lúc bạn đã có một vốn kiến thức nhất định và hiểu được những gì mình nói, thì SHADOWING đã giúp cho ngữ điệu của bạn tốt hơn nhiều rồi.
Với những bạn không sống hay làm việc ở nước ngoài, không có điều kiện tiếp xúc với người bản ngữ đây thực sự là 1 cách học rất tự nhiên, tiết kiệm và hiệu quả!
Thực hành SHADOWING technique như thế nào?
Bước 1: Tìm tư liệu luyện tập và nghiên cứu
Trước hết các bạn cần tìm cho mình 1 nguồn tiếng Anh (video/audio) với nội dung thú vị hoặc ý nghĩa, bất cứ thứ gì bạn có thể làm bạn đọc và nghe mà không cảm thấy chán. Lưu ý rằng các nguồn Nghe này nên:
- Độ dài vừa phải, khi mới bắt đầu đoạn nói không nên kéo dài quá 2-3 phút.
- Video/audio phải có transcript để giúp người học theo kịp thông tin được nói trong bài
- Nên là những video do người bản xứ nói (ví dụ như phim, chương trình thực tế, bài diễn thuyết…)
- Chủ đề của bài nói nên có sự quen thuộc nhất định với người học. Hãy tránh chủ đề khó, nhiều từ chuyên ngành.
- Xem thêm: Những nguồn luyện Nghe tiếng Anh theo trình độ
Cuối cùng, đừng quên sử dụng các từ điển Anh – Anh để tra lại phát âm những từ mình chưa chắc trong quá trình học.
Các bạn hãy chuẩn bị đủ các phần trên rồi mình đọc tiếp nhé!
Bước 2: Luyện tập chậm từng câu
Để bắt đầu tập SHADOWING, các bạn hãy luyện tập chậm từng câu. Bật audio lên, nghe kĩ cách phát âm của người bản xứ (trọng âm, nguyên âm, phụ âm, âm đuôi) rồi dừng audio lại để bắt chước (phát âm thật to rõ ràng).
Nếu bạn thấy chưa giống, hãy làm lại như trên 1 vài lần nữa. Và như mình nói, hãy chú ý vào các âm chi tiết nhé! Nếu vẫn chưa thấy giống, mình thường tra từ điển để viết ra âm cụ thể – cách cuối cùng nhưng luôn đảm bảo hiệu quả 100%.
Các bạn hãy tập shadowing như vậy với khoảng 2 đến 3 đoạn, sau khi đã có thể bắt chước phát âm nhanh hơn, ta đến với bước 3.
Bước 3: Tăng tốc độ luyện tập
Lúc này, bạn có thể mở cho audio chạy (tốc độ chậm) từ đầu đến cuối để mình bắt theo. Bằng cách này các bạn sẽ dần cảm nhận được cách ngắt nghỉ trong khi nói cũng như ngữ điệu. Nếu thấy nhanh thì có thể chỉ tập với 1 vài câu 1 lúc các bạn nhé. Dù các bạn có tập ở mức nào thì phát âm của mình cũng sẽ dần tiến bộ.
Bước 4: Duy trì đều đặn
Cuối cùng, các bạn hãy duy trì đều đặn luyện tập theo kỹ thuật này nhiều lần trong tuần, chỉ cần 30 phút 1 ngày thôi, và nếu bạn muốn có thể luyện lại bài cũ là sau 1 vài tháng phát âm của bạn đã lên 1 ‘cảnh giới’ khác rồi.
Bùi Hoàng Anh – 8.0 IELTS
Một vài tips để thực hành kỹ thuật SHADOWING
- Chỉ nên thực hành trong thời gian ngắn: Độ dài tốt nhất là khoảng 10 đến 15 phút.
- Lặp lại một vài lần. Với cùng một đoạn audio/hội thoại, bạn nên lặp lại 2 – 4 lần để nhuần nhuyễn.
- Đảm bảo rằng bạn quen thuộc với Nội dung: nếu bạn là một người ghét thể thao thì làm sao một bản tin tức về bóng đá có thể ‘giữ’ bạn tập trung được, đúng không? Tìm những chủ đề phù hợp với trình độ và sở thích sẽ giúp bạn ôn luyện lâu mà không bị chán.
- Kết hợp với những hoạt động khác: Mặc dù cách tốt nhất là ngồi vào bàn học và luyện tập, bạn cũng có thể kết hợp Shadowing khi làm những việc khác trong ngày. Ví dụ: trên đường đi học/ đi làm, khi đang chạy bộ hoặc thậm chí khi đang tắm.
SHADOWING có thực sự hiệu quả hay không?
Nếu những lí do trên chưa đủ thuyết phục bạn thử phương pháp này, thì những nghiên cứu của các nhà khoa học có lẽ sẽ làm bạn yên tâm hơn. Một nghiên cứu tại Trường Đại học quốc gia Đài Loan đã chỉ ra rằng kỹ thuật SHADOWING giúp các sinh viên cải thiện tương đối về Ngữ điệu, Độ trôi chảy, Phát âm từ vựng và Phát âm nói chung.
Theo các nhà nghiên cứu, SHADOWING giúp người học:
- Phát triển kỹ năng nghe – hiểu (listening comprehension)
- Phát triển kỹ năng diễn đạt khi nói (produce speech)
- Phát triển kỹ năng học từ vựng (learn new words)
- Phát triển kỹ năng siêu nhận thức (metacognitive) về ngôn ngữ
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về SHADOWING là gì và cách thực hành SHADOWING khi học tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng NÓI.