TỤC CÚNG 3 NGÀY, MỞ CỬA MẢ HAY NGÀY TAM CHIÊU LÀ GÌ?

Trước tiên nói về cúng 3 ngày hoặc ngày Tam Chiêu mà người thế gian còn gọi là ngày (Mở Cửa Mả): Dân gian quan niệm rằng khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội lại tỉnh táo rồi, nhưng nếu không mở cửa mả thì họ không tỉnh hẳn được, không thể trở lên mặt đất, cũng không biết đường về nhà.

Vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ). Quan niệm này ở mỗi vùng miền đều có cách làm khác nhau, cách gọi cũng khác nhau như : Cúng 3 ngày, Mở cửa mả hay ngày tam chiêu… Sau khi an táng đến ngày thứ ba, con cháu và thầy cúng ra mộ, cúng mở cửa mả.

Tùy nơi có cách tính ba ngày khác nhau. Một số địa phương tính từ ngày mất là ngày thứ nhất. Cách này là do chỉ để người mất, quàn tại gia một ngày đêm, nên sau ngày chôn là đến ngày thứ ba, tiến hành cúng ba ngày luôn, như vậy là hợp lý.Một cách tính nữa, tính từ ngày chôn là ngày thứ nhất. Trường hợp này do quàn tại gia hoặc ở nhà lạnh của bệnh viện quá ba ngày, để chờ con cháu về đông đủ.Dân ta quan niệm rằng sau khi chôn, hồn vẫn còn phiêu diêu chưa ổn định.

Mặt khác trước khi chôn, bàn thờ người chết chưa thật sự yên vị, vì bàn vong di chuyển ra nghĩa địa rồi lại đưa về. Đến ngày thứ ba mọi việc đã chu tất cho bàn thờ, mời hồn người chết về yên vị tọa lạc để con cháu phụng thờ.

Bàn thờ người mới mất để ở vị trí riêng biệt, chưa được đưa thờ chung ở bàn thờ Gia tiên. Vì người mới mất chưa được sạch sẽ. Sắp đặt bàn thờ có ảnh, bát hương…và các thứ cần thiết.

Tùy số lượng câu đối trướng mà treo cho hợp lý quanh bàn thờ. Phía sau bàn thờ, treo cao những bức trướng của dòng họ, tổ chức, tập thể; rồi đến trướng các gia đình thông gia, họ mạc…bạn bè thân hữu. Có thể treo vây quanh tạo không gian ấm cúng cho bàn thờ.

Thủ tục cúng ba ngày phần lớn vẫn do thầy cúng làm.

Từ đây đèn hương liên tục thắp cả ngày và đêm. Bàn thờ có nước, trầu, rượu, hoa quả; vài hôm thay một lần. Hàng ngày sáng chiều đến bữa, đều cúng cơm, coi như cha mẹ, ông bà vẫn bên con cháu dùng bữa hàng ngày.

Cúng cơm này không cầu kỳ, trong nhà ăn gì cúng thức ấy, chỉ một ít tượng trưng, có bát đũa đặt trong một khay nhỏ, và rượu nước, trầu cau…Trước đây cúng ba ngày, còn là dịp để tang chủ mời bà con trong họ ngoài làng, bạn bè thân hữu gần xa đến bầy tỏ lòng cám ơn, xin đại xá cho những thiếu sót, khiếm khuyết không tránh khỏi. Sau đó là tổ chức ăn cỗ.

Bây giờ tục lệ ăn cỗ ba ngày mở rộng như vậy không còn nữa. Tang chủ có mời cũng không mấy ai đi. Tang chủ cám ơn qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.

Việc cúng cơm thường nhật, duy trì ít nhất đủ tuần 49 ngày. Có nhà duy trì đến tuần 100 ngày mới thôi. Hương đèn từ đây cũng tắt. Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn.

Xét trong điển lễ thì không có “lễ ba ngày” mà chỉ có “lễ tế ngu” gồm có “sơ ngu”, “tái ngu”, “tam ngu”. “ngu” nghĩa là “yên”, tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách, theo “Thọ mai gia lễ” thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ , tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu.

Một vài điều cần lưu ý trong ngày Tam Chiêu là gì?

Thứ nhất: Về thời gian chiêu hồn thì không phải hễ 3 ngày thì đã hội được đâu, nhưng người ta làm vậy để cho hồn phách sớm hội tụ lại mà thôi, cho nên với những người bị oan thác, chết tức tưởi, đột ngột thì nên làm thêm 1 lần vào ngày thứ 7 sau khi nhập thổ.

Thứ hai: Về quần áo, vật dụng chớ nên đốt ngay khi chết hay chôn theo tất cả, chôn theo chẳng ích lợi gì cho vong linh đâu, họ có mang, có mặc được gì đâu, mà nên hỏa táng bên mộ vào ngày tam chiêu, sẽ giúp cho vong linh theo mùi của mình mà sớm hội hồn, tụ vía.

Thứ ba: Không nhất thiết là cây mía làm niêu đâu, mà dùng cây gì cũng được, nhưng nên buộc một cái khăn của người mất trên đầu cây niêu để hồn vía được chiêu ứng sớm tụ được. Trên đầu cây niêu nên treo theo một chuông gió (điều này ít khi có người làm) vì vong linh còn chưa hội đủ hồn phách nên không thể nhìn chỉ cảm nhận qua mùi vị và sự rung động (âm thanh).

Thứ tư: Con gà không phải là tìm đại một con gà mới lớn là mở cửa mả được, mà nên tìm một con gà trống vừa tập gáy, sau khi dẫn gà đi quanh mộ 3 vòng thì nên nhốt gà lại để gà gáy giúp hồn phách hội lại chứ không phải dẩn đi loanh quanh làm gì không rõ như thế đâu, điều cần là tiếng gáy của nó mà lại không thấy, cái vô nghĩa thì lại cật lực mà làm! Sở dĩ nên chọn gà trống mới tập gáy vì chúng sẽ gáy liên tục không bị chi phối chứ không phải tìm đại một con gà là đúng.

Thứ năm: Việc rãi giấy vàng mả là điều vô minh, sở dĩ khi xưa người ta dụng vàng mã là vì đã ngâm ủ trong quần áo người chết rồi, có mùi chiêu cảm được rồi cho nên người ta mới rãi như thế, vì ngày xưa quần áo rất hiếm, đôi khi chỉ có một vài bộ chôn theo người mất mà thôi, ngày nay nên làm là dùng một bộ quần áo nào người đó còn sống hay mặc nhất rồi tháo ra thành từng sợi chỉ nhỏ mang số chỉ vải đó rãi ra đường làm định hướng cho vong linh biết đường mà về lại nhà.

Nguồn (Quy luật tam giới)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *