Khi không tự mình thực hiện được những công việc hoặc những hành động nhấ định thì chúng ta có thể có những lựa chọn nhờ chủ thể khác thực hiện thay mình những nội dung đó. Tùy từng hoàn cảnh và điều kiện lựa chọn cũng như công việc cần giao thì có thể lựa chọn những hình thức phù hợp. Ủy nhiệm là một trong những hình thức khá phổ biến. Ngoài ra còn có ủy quyền, ủy thác,… thường được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực: Thương mại, dân sự, đất đai, nhà cửa, ngân hàng, thuế… Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn về khái niệm, nội dung, cơ chế áp dụng,… Do đó, cần có sự phân biệt giữa ủy nhiệm, ủy quyền và ủy thác
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật thương mại 2005.
1. Ủy nhiệm là gì?
Ủy nhiệm là việc giao cho người khác hoặc tổ chức khác làm thay một nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình. Ví dụ: Giám đốc công ty ủy nhiệm cho Trưởng phòng hành chính thực hiện việc xây dựng trụ sở công ty mới.
Đối với việc ủy nhiệm thường được áp dụng trong những trường hợp người ta thực hiện những biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt giữa các bên thông qua các ngân hàng hoặc với người thứ ba trong các quan hệ về kinh tế, thương mại, dịch vụ nội địa hay quốc tế.
Trong việc thanh toán từ các quan hệ thương mại quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế ban hành năm 1994 “Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng tử” có quy định về biện pháp ủy nhiệm thanh toán qua ngân hàng, một ngân hàng (mở) thực hiện yêu cầu hay theo sự ủy nhiệm của khách hàng, tiến hành thanh toán cho người thứ ba. Bản thân ngân hàng được ủy nhiệm cũng có thể được quyền bằng các cách như ủy nhiệm cho một ngân hàng khác thực hiện việc thanh toán; hoặc ủy nhiệm cho một ngân hàng khác chiết khấu.
2. Ủy nhiệm trong tiếng Anh là gì?
Ủy nhiệm trong tiếng anh là: “Delegate”.
3. Phân biệt ủy quyền, ủy nhiệm và ủy thác:
Giống nhau:
Thứ nhất, các hình thức ủy nhiệm, ủy quyền và ủy thác đều mang bản chất là nhờ người khác thực hiện thay mình một hoạt động hay một công việc cụ thể nhất định nào. Khi những hoàn cảnh khách quan cà chủ quan tác động khiến cho một chủ thể nhất định không thể tự mình thực hiện một công việc nào đó thì họ có thể lựa chọn biện pháp nhờ một cá nhân hoặc tổ chức nào đó thực hiện thay những công việc này.
Cả ba hình thức ủy nhiệm, ủy quyền và ủy thác tủy từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể sẽ được bên có nhu cầu giao việc lựa chọn cho phù hợp.
Thứ hai, khi tiến hành những hoạt động này, hình thức của việc thống nhất ý kiến của các bên phần lớn đều được thể hiện dưới dạng văn bản, trong hoạt động ủy nhiệm.
Khác nhau:
Về cơ bản, bản chất của cả ba hình thức ủy nhiệm, ủy quyền và ủy thác đều là nhờ người khác thực hiện thay một công việc hay một hoạt động, hành động cụ thể nào đó, nhưng chúng có sự khác nhau và được áp dụng trong những trường hợp khác nhau. Tùy vào nội dung công việc mà người có như cầu giao việc sẽ lựa chọn một hình thức phù hợp. Cần có sự phan biệt về ba hình thức này để tránh nhầm lẫn. Các tiêu chí cụ thể như sau:
Luật điều chỉnh:
+ Ủy nhiệm: hoạt động ủy nhiệm chịu sự điều chỉnh của Pháp luật chuyên ngành về từng lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, thuế,…
+ Ủy quyền: chủ yếu được điều chỉnh trong Bộ luật dân sự năm 2015
+ Ủy thác: được điều chỉnh theo quy định của Luật thương mại năm 2005
Về khái niệm:
+ Ủy nhiệm: là việc giao cho người khác hoặc tổ chức khác làm thay một nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình
+ Ủy quyền: theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì ủy quyền là việc giao cho người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.
+ Ủy thác: theo quy định của Luật thương mại năm 2005 thì ủy thác là việc giao cho bên được ủy thác, nhân danh người ủy thác để làm một việc nhất định mà người ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm.
Về chủ thể tiến hành:
+ Ủy nhiệm: việc tiến hành hoạt động ủy nhiệm có thể diễn ra giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tổ chức.
+ Ủy quyền: theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì hoạt động ủy quyền chỉ được thực hiện giữa cá nhân với cá nhân.
+ Ủy thác: các chủ thể tham gia và quan hệ ủy thác có thể là pháp nhân với pháp nhân hoặc cá nhân với pháp nhân
Hình thức thể hiện:
+ Ủy nhiệm: hình thức của hoạt động ủy nhiệm được thể hiện bằng văn bản, mà cụ thể là Văn bản ủy nhiệm.
+ Ủy quyền: hình thức của ủy quyền được thể hiện dưới dạng văn bản, có thể dưới các dạng sau: Giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, quyết định ủy quyền. Đối với hoạt động ủy quyền thì đặc điểm nổi bật nhất là khi giao kết hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải có mặt hai bên cùng kí kết. Hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền được kí kết giữa các bên là do pháp luật quy định, tuy nhiên pháp luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong việc lựa chọn hình thức công chứng, chứng thực cho hợp đồng ủy quyền của mình.
+ Ủy thác: hình thức thể hiện của hoạt động ủy thác là văn bản ủy thác hoặc hợp đồng ủy thác.
Nội dung của thỏa thuận:
+ Ủy nhiệm: nội dung của hoạt động ủy nhiệm là các bên sẽ nêu rõ những vấn đề liên quan đến mục đích ủy nhiệm, phương thức ủy nhiệm và các nội dung cụ thể theo quy định của pháp luật chuyên ngành quy định về lĩnh vực có liên quan đến việc ủy nhiệm.
+ Ủy quyền: Bộ luật dân sự cũng như các văn bản có liên quan không quy định về nội dung của việc tiến hành ủy quyền, thông thường nội dung của việc ủy quyền sẽ do các bên tự thỏa thuận nhưng phải tuân thủ và phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Ủy thác: hợp đồng ủy thác được thỏa thuận bởi các bên phải ghi đầy đủ các nội dung về họ, tên, địa chỉ, trụ sở, tài khoản nếu là pháp nhân, phạm vi, nội dung ủy thác, quyền, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên và do các người có đủ thẩm quyền ký kết vào hợp đồng.
Giới hạn trách nhiệm của các bên:
+ Ủy nhiệm: thực hiện những công việc trong phạm vi được ủy nhiệm, trong một số trường hợp có thể thực hiện những công việc nằm ngoài nội dung công việc được ủy thác nếu các bên có sự thỏa thuận.
+ Ủy quyền: thực hiện những công việc trong phạm vi được ủy quyền, trong một số trường hợp được thực hiện những công việc nằm ngoài nội dung công việc được ủy quyền nhưng phải có sự đồng ý của bên ủy quyền.
+ Ủy thác: bên được ủy thác chỉ thực hiện những công việc trong phạm vi được ủy thác và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được ủy thác mà thôi.
Hậu quả pháp lý khi vượt quá giới hạn trách nhiệm:
+ Ủy nhiệm: Bên được ủy nhiệm tự chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá giới hạn ủy nhiệm, trừ những trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
+ Ủy quyền: Hậu quả của hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của bên được ủy quyền (nếu không có thỏa thuận hoặc sự chấp thuận của bên ủy quyền) thì bên được ủy quyền phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của mình. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ đó là khi bên ủy quyền biết về hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền nhưng không phản đối.
+ Ủy thác: bên được ủy thác phải tự chịu trách nhiệm của mình về hành vi vượt giới hạn trách nhiệm ủy thác.
Thù lao chi trả cho bên được giao nhiệm vụ:
+ Ủy nhiệm: trong việc thực hiện ủy nhiệm thì bên ủy nhiệm không bắt buộc phải chi trả thù lao cho bên được ủy nhiệm, chỉ chi trả thù lao trong trường hợp hai bên có thỏa thuận và pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể.
+ Ủy quyền: trong quan hệ ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền thì thù lao không bát buộc phải chi trả cho bên được ủy quyền, chỉ thực hiện chi trả trong trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định
+ Ủy thác: pháp luật quy định bên ủy thác bắt buộc phải trả thù lao cho bên được ủy thác. Thông thường là chi phí hoặc được trích trả một số tỷ lệ % tiền thu được để thực hiện công việc được ủy thác.
Những lĩnh vực được thực hiện chủ yếu:
+ Ủy nhiệm: bên ủy nhiệm có thể tiến hành giao cho bên được ủy nhiệm thực hiện thay công việc của mình trong những lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, thuế, chăm sóc người cao tuổi,… Ví dụ: theo quy định của pháp luật liên quan đến chăm sóc người cao tuổi, nếu cá nhân và tổ chức nuôi dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì ủy nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thực hiện thay.
+ Ủy quyền: những hoạt động có thể tiến hành ủy quyền thực hiện thay có thể diễn ra trong các công việc như các hoạt động liên quan đến đất đai, nhà cửa, mua bán hàng hóa, dịch vụ, đại diện tham gia tố tụng…
+ Ủy thác: hoạt động ủy tác được thực hiện chủ yếu trong các lĩnh vực như kinh doanh, thương mại,…
Bên cạnh những tiêu chí trên, có thể kể đến một số tiêu chí khác như về phạm vi, bản chất thực hiện nghĩa vụ của việc ủy nhiệm so với ủy thác và ủy quyền. Về mặt bản chất, thì ủy nhiệm chính là việc thực hiện trách nhiệm thay cho một người khi người đó có thư hoặc giấy ủy nhiệm. Ví dụ: một sinh viên ủy nhiệm cho bạn đi trả sách ở thư viện thay cho mình.
Về mặt phạm vi, nếu ủy quyển chỉ được áp dụng trong những trường hợp cá thể nhất định khi người này ủy quyền cho người khác một số việc trong phạm vi quyền hành của họ, thì ở ủy nhiệm là toàn bộ những việc thuộc phạm vi trách nhiệm của một người được ủy nhiệm sang cho một người khác làm thay.