Về nguồn gốc và nguyên văn ít biết của câu &quothậu sinh khả úy&quot

“Hậu sinh khả úy” là một câu thành ngữ dùng để chỉ tài năng của lớp trẻ, cho rằng họ đáng được tôn trọng, vì họ thông minh, dễ thích nghi, biết cầu tiến, siêng năng, tương lai sáng sủa. Từ “Hậu sinh” ở đây là chỉ lớp người trẻ, thanh thiếu niên. Còn chữ “Úy” có nghĩa là kính phục. Câu nói này xuất phát từ kinh điển Nho gia, là câu của Khổng Tử, tuy nhiên lại bị cắt mất một vế…

Về nguồn gốc và nguyên văn ít biết của câu "hậu sinh khả úy"

(Tranh minh họa qua sentayho.com.vn)

Dẫu là kinh điển Nho gia, Phật gia, Đạo gia hay Kinh Thánh, thì đều có chung một nhược điểm lớn. Đó là chúng đều tồn tại qua khoảng thời gian 2.000 năm hoặc 2.500 năm, rất lâu dài. Những lời giảng trong đó vốn đối ứng với quan niệm của con người thời bấy giờ, ngôn ngữ thời bấy giờ, thậm chí có một phần rất lớn là không được ghi chép thành văn tự, mà phải rất lâu sau mới được hồi tưởng và ghi chép lại, làm mất đi hoàn cảnh, ngữ cảnh, tính đối ứng của nó với không gian.

Trải qua thời gian hàng nghìn năm tiếp theo, ngôn ngữ thay đổi khiến cho chữ viết và văn tự nguyên gốc không còn dễ dàng hiểu được nữa, diễn giải kinh sách càng ngày càng sai lệch. Thêm vào đó, rất nhiều người trong tôn giáo đã trộn lẫn các kiến thức mà mình có với kinh sách, hoặc thêm bớt, cắt xén, khiến cho những lời giảng thời xưa không còn nguyên ý nghĩa.

Hiện tượng này tới thời cận đại và hiện đại lại càng rõ ràng hơn. Với riêng Nho gia mà nói, kinh điển đã qua cải tổ mấy lần cuối cùng cũng định hình lại, cơ bản là được giữ gìn trong một khoảng thời gian khá dài suốt cận đại và hiện đại. Tuy nhiên bởi vì cách diễn giải không được “hấp dẫn”, thậm chí có phần khó hiểu, nên người ta thường thích cắt gọt, thêm thắt, sáng tạo ra những câu chuyện bóng bẩy để làm cho mọi người dễ hiểu hơn.

Một số người khi trải qua các cuộc vận động chính trị như Đại Cách mạng Văn hóa thì hoặc vô ý hoặc cố tình làm công việc đó để thâu tóm quyền lực hay bảo toàn bản thân. Kết quả của quá trình này là những câu chuyện “tự thị nhi phi”, nghe thì tưởng là của Nho gia mà hóa ra không phải. Chuyện về câu thành ngữ “Hậu sinh khả úy” là một ví dụ.

Thông thường, người ta lấy câu chuyện sau đây ra để giải thích câu “Hậu sinh khả úy”:

Khổng Tử đang trên đường đi du lịch thì gặp ba đứa trẻ, trong đó hai đứa đùa nghịch với nhau rất thỏa thích, còn đứa kia chỉ lặng im đứng xem. Khổng Tử thấy lạ mới hỏi tại sao lại không cùng chơi với các bạn.

Đứa trẻ điềm nhiên nói: “Đánh vật nhau quyết liệt rất dễ phương hại đến sinh mạng con người, còn cứ lôi kéo xô đẩy nhau thì rất dễ bị thương. Dù chỉ kéo rách áo quần thôi, thì cũng chẳng có lợi gì cho cả hai bên, nên cháu không muốn chơi với chúng nó”.

Một lúc sau, đứa trẻ này dùng đất đắp thành một ngôi thành lũy ngay giữa đường, rồi vào ngồi trong đó. Xe Khổng Tử không thể đi được mới hỏi tại sao lại không nhường lối cho xe đi. Đứa trẻ đáp: “Cháu nghe người ta nói xe phải vòng qua thành mà đi, chứ làm gì có thành lũy lại nhường lối cho xe đi bao giờ”.

Khổng Tử nghe vậy rất kinh ngạc, cảm thấy đứa trẻ này người tuy còn nhỏ nhưng rất lanh lợi, mới nói rằng: “Cháu tuy nhỏ mà hiểu biết thật không ít”.

Đứa trẻ đáp rằng: “Cháu nghe nói, cá con sinh ra được ba ngày đã biết bơi, thỏ con sinh ra được ba ngày đã biết chạy, ngựa con sinh ra được ba ngày đã biết đi theo mẹ, đây là việc rất bình thường chứ có gì lạ đâu”.

Khổng Tử nghe xong bèn than rằng: “Hậu sinh khả úy, lớp trẻ thời nay thật là ghê gớm”.

Người ta nói rằng đứa trẻ này tên là Hạng Thác.

Hiện nay câu thành ngữ “Hậu sinh khả úy” được dùng để khen ngợi lớp trẻ vượt xa cha ông của mình, và là điều đáng quý. Nhưng câu chuyện này và các dị bản của nó hoàn toàn không thuộc về Nho gia nguyên thủy, mà chỉ là một kiểu kể chuyện bóng bẩy mà thôi. Chúng xuất hiện khá nhiều trong các cuốn sách cận đại, chẳng hạn cuốn “Cổ nhân đàm luận” của Trần Trung Viên. Truy ngược lại nữa thì chuyện này xuất hiện từ thời Vương Ứng Lân (1223-1296) biên soạn “Tam tự kinh” đã có câu “Tích Trọng Ni, Sư Hạng Thác”, tức là Khổng Tử coi Hạng Thác là thầy. Nhưng mà dù có nguồn gốc xa xôi như thế nào, thì chúng ta cần nhớ rằng Khổng Tử xuất hiện năm 551 trước Công Nguyên, cứ cho là đến thời Vương Ứng Lân đi nữa thì cũng đã hơn 1700 năm rồi.

Thực ra cụm từ “Hậu sinh khả úy” bắt nguồn từ cuốn “Luận Ngữ – Tử hãn”. Hàm ý của nó là khác xa so với cách lý giải hiện đại. Nguyên văn của toàn bộ đoạn này trong Luận Ngữ chỉ bao gồm mấy câu như sau:

“Tử viết: Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim dã? Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc úy dã dĩ.”

Có nghĩa là:

“Khổng Tử viết: Lớp trẻ có tài có thể là cần úy trọng đấy, nhưng biết đâu tương lai của họ không bằng hiện nay? Nếu đến bốn chục, năm chục tuổi mà chưa có tiếng tăm gì thì không phải úy trọng họ nữa.”

Như vậy ý của Khổng Tử không phải là xoay quanh việc khen ngợi lớp trẻ, mà là nói rằng lớp trẻ dù có thể úy trọng, nhưng vẫn cần xem sự phát triển của họ như thế nào.

Người trẻ tuổi thì thường có thể thích ứng với những điều mới mẻ trong xã hội, có sự lanh lợi, thông minh của lớp trẻ. Họ có kiến thức cập nhật, suy luận thực tế, tính tình cởi mở, dám nghĩ dám làm việc khó. Tầm nhìn của họ cũng có thể thoáng rộng hơn. Họ có nhiều dự tính cho tương lai và luôn luôn nghĩ tới các hoài bão lớn.

Mặc dù vậy, lớp trẻ cũng thiếu sự thấu đáo, kinh nghiệm, và sự khôn ngoan của lớp người đi trước. “Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”. Thế hệ trước có thể chậm chạp, nhưng họ lại có sức mạnh của sự kiên nhẫn và bền bỉ được tôi luyện trong những năm tháng và trải nghiệm không dễ có được.

Chính vì thế, mặc dù lớp trẻ có sức bật tốt, nhưng họ có thành tài, có thật sự vượt lên trong cuộc sống được hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Do đó người trẻ tuổi dẫu có được khen là “Hậu sinh khả úy” thì cũng không thể tự mãn, mà càng cần phải nhớ rằng: Biết đâu tương lai của mình không bằng hiện nay? Từ đó nội tâm hiểu được thận trọng, khiêm tốn và nỗ lực.

Quang Minh

Xem thêm: Nguồn gốc câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”

Mời xem video:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *