VMware có lẽ đã quá nổi tiếng trong giới công nghệ chủ yếu nhờ sản phẩm máy ảo VMware Workstation quen thuộc với người dùng phổ thông. Tuy nhiên còn một sản phẩm khác cũng rất tốt của VMware và được sử dụng nhiều trong các hạ tầng máy chủ là VMware ESXi.
Trong bài viết hôm nay, BizFly Cloud sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về sản phẩm này.
VMware ESXi là gì?
VMware ESXi (trước đây là ESX) là một hypervisor (công cụ giám sát máy ảo) loại 1 dành cho doanh nghiệp được phát triển bởi VMware. Là một hypervisor loại 1, ESXi không phải là một phần mềm được cài đặt trên hệ điều hành như VMware Workstation và các hypervisor loại 2 khác. Thay vào đó, bản thân ESXi chứa các thành phần lõi của một hệ điều hành như kernel và có thể chạy trực tiếp trên phần cứng để cung cấp môi trường ảo hóa.
ESXi cung cấp một lớp ảo hóa phân chia các tài nguyên CPU, bộ nhớ ngoài, RAM và tài nguyên mạng của máy chủ vật lý thành nhiều máy ảo. Do đó các ứng dụng chạy trong máy ảo có thể sử dụng các tài nguyên này mà không cần truy cập trực tiếp vào phần cứng bên dưới.
Trình giám sát máy ảo (hypervisor) được VMware ESXi sử dụng gọi là VMkernel. VMkernel nhận các yêu cầu sử dụng tài nguyên từ các máy ảo và chuyển đổi thành các yêu cầu tới phần cứng vật lý.
ESXi được hỗ trợ trên các bộ xử lý Intel (Xeon trở lên) và bộ xử lý AMD Opteron. ESXi chứa VMkernel 64bit do đó không hỗ trợ các máy chủ sử dụng CPU 32bit, tuy nhiên các máy ảo có thể cài đặt cả hệ điều hành 32bit và 64bit. ESXi hỗ trợ tới 4.096 bộ xử lý ảo, 320 CPU logic, 512 máy ảo và tối đa 4 TB RAM trên mỗi máy chủ.
ESXi có thể được cài đặt trên đĩa cứng, thiết bị USB hoặc thậm chí cả thẻ SD. Nó có kích thước siêu nhẹ chỉ khoảng 144 MB để tăng cường độ bảo mật và tin cậy.
Những phiên bản của Vmware ESXi
ESXi được biết đến là bản kế nhiệm của ESX, và đặc biệt là Vmware miễn phí giấy phép sử dụng ESXi. ESXi từ phiên bản 4.1 trở về trước được phát triển song song cùng với ESX truyền thống, nhưng kể từ phiên bản thứ 5 Vmware chỉ còn duy trì ESXi.
Hiện nay ESXi đã phát triển đến bản 7.0 với lần cập nhật gần nhất vào cuối tháng 4/2021. Điều đó có nghĩa là ESXi vẫn luôn được Vmware quan tâm phát triển và sẽ còn được hỗ trợ trong tương lai.
Những phiên bản của ESXi bạn cần biết
Cho đến hiện tại, công cụ được thiết kế với 5 phiên bản nổi bật. Cụ thể gồm:
- Phiên bản ESXi 3.5
- Phiên bản ESXi 4.0
- Phiên bản ESXi 5.1
- Phiên bản ESXi 5.5
- Phiên bản ESXi 6.0
Sau 5 phiên bản này, phần mềm Vmware ESX đã được thay đổi tên và gọi là Vmware vSphere Hypervisor. Đây cũng là một trong những ứng dụng nâng cấp đặc biệt nằm trong ấn phẩm miễn phí của bộ vSphere production line.
Để sử dụng trọn bộ và ứng dụng các tính năng cao cấp của phần mềm, người dùng có thể nâng cấp bằng cách mua thêm license.
Có thể rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về Vmware. Chính vì thế, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt sự khác nhau giữa dòng ESX và ESXi. Do đó, phần so sánh khác nhau dưới đây sẽ giúp người dùng có cái nhìn tổng quát hơn trước khi lựa chọn.
Sự khác nhau giữa VMware ESX và ESXi
Điểm khác biệt lớn nhất giữa ESXi và ESX là ESX dựa trên một hệ điều hành console Linux-based, trong khi ESXi không còn phụ thuộc vào bất cứ hệ điều hành thông thường nào mà cung cấp một menu để cấu hình máy chủ.
“ESX” là viết tắt của “Elastic Sky X” trong khi “i” là viết tắt của “integrated” – tích hợp – ngụ ý rằng bản thân ESXi đã được tích hợp các thành phần cần thiết để khởi động từ máy chủ mà không cần lõi của Linux. Sự khác biệt này dẫn tới một số lợi thế của ESXi so với ESX như sau:
Tăng cường bảo mật
ESX trước đây hoạt động nhờ vào COS (Console Operating System) dựa trên nhân Linux. Nhiệm vụ của COS chỉ đơn giản là khởi động server, nạp hypervisor và sau đó không tham gia vào bất cứ hoạt động nào khác. Vấn đề là giữ cho thành phần COS này hoạt động an toàn không dễ vì nó dựa trên một hệ điều hành phổ biến, có thể bị lợi dụng để khởi chạy các công cụ bên thứ 3 đe dọa hệ thống.
Đến thế hệ ESXi, sự phụ thuộc vào COS đã bị loại bỏ. Cùng với những bổ sung tính năng như mã hóa máy ảo và tài nguyên, phân quyền truy cập, nhật ký hoạt động,… khiến ESXi trở thành lựa chọn an toàn, tin cậy hơn được chính VMware khuyến cáo sử dụng thay cho ESX.
Giảm kích thước
Loại bỏ Linux kernel cũng khiến kích thước ESXi gọn nhẹ hơn, chỉ chiếm dụng khoảng 100-200 MB tài nguyên máy chủ.
Cấu hình linh hoạt
VMware cung cấp cho người dùng một công cụ đề xuất giới hạn cấu hình cho những sản phẩm cụ thể, giúp bạn cân nhắc cấu hình hợp lý nhất để không lãng phí hay thiếu thốn tài nguyên. Cùng với đó, VMware tạo ra nhiều lựa chọn cấu hình với giới hạn rất lớn. Trong ESXi 6.7, mỗi máy ảo có thể có tối đa 256 CPU ảo, 6 TB RAM, 2 GB bộ nhớ video,… với kích thước bộ nhớ ngoài đến 62 TB.
Hệ sinh thái rộng
Hệ sinh thái VMware hỗ trợ nhiều loại phần cứng, sản phẩm, hệ điều hành và dịch vụ của bên thứ ba. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý của bên thứ ba kết hợp với máy chủ ESXi của mình, giúp việc quản lý cơ sở hạ tầng trở nên ít phức tạp hơn. Công cụ Global Support Services (GSS) cho phép bạn tìm hiểu xem một vấn đề kỹ thuật nhất định có liên quan đến phần cứng hoặc phần mềm của bên thứ ba hay không.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về công cụ ảo hóa máy chủ mạnh mẽ VMware ESXi. Hãy tiếp tục theo dõi BizFly Cloud để cùng chúng tôi cập nhật những kiến thức mới nhất về công nghệ nói chung và công nghệ ảo hóa nói riêng trong những bài viết tiếp theo.