Ý nghĩa của việc niệm Nam mô A Di Đà Phật
Nam-mô A-di-đà Phật! Sáu chữ Hồng Danh xưng niệm Phật hiệu đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc và phổ biến rất rộng rãi trong giới Phật tử xuất gia cũng như cư sĩ tại gia. Mức độ thông dụng trong sinh hoạt hàng ngày chứng tỏ lòng tín niệm của Phật tử thể hiện ở câu chào khi gặp nhau gồm có bốn chữ A-di-đà Phật!
Thông thường, Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa như sau:
Nam Mô ở đây có 6 nghĩa: kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng.
A: Có nghĩa là Vô, Không
Di Đà: Nghĩa là lượng
Phật: Người Giác ngộ
Vậy Nam Mô A Di Đà Phật là: Kính lễ đấng Giác ngộ vô lượng hoặc cũng có nghĩa là: Con quay về nương tựa vào đấng Giác ngộ vô lượng.
Đây là câu niệm Phật của những người tu theo pháp môn Tịnh Độ. Trong Thập Lục Quán Kinh Phật dạy: nếu chúng sinh nào niệm một lần danh hiệu của Phật A Di Đà sẽ tiêu được 8 muôn ức kiếp tội nặng.
Về mặt giáo lý, đây là pháp trì danh niệm Phật trong Tịnh-Ðộ tông được tín hành nhiều nhất, ngắn gọn dễ dàng tu tập nhất , thích hợp với tất cả mọi tầng lớp tín đồ không phân biệt thượng, trung hay hạ căn, trí huệ cao hay thấp, nghiệp chướng nặng hay nhẹ, chỉ cần hành giả trì danh nhất tâm tín nguyện, không thối chuyển cho đến khi mệnh chung sẽ được vãng sanh, Phật A-di-đà và thánh chúng tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Hiện nay, các Phật tử thường dùng câu niệm Phật này để chào nhau, tuy là một câu có 6 chữ ngắn gọn, nhưng nó hàm chứa một tính lễ độ và một sự nhắc nhở cho nhau để thánh hóa tâm hồn mình, qua Hồng danh của Đức Phật A Di Đà.
Niệm A di đà là một cách tu, nhanh chóng, dễ dàng, dựa vào tha lực, và đại nguyện của Đức Phật A di đà, bằng cách nhất tâm niệm danh hiệu của Ngài : “Nam mô A di đà Phật”, để trau dồi đức hạnh và xoa dịu những khổ đau cho mình và những người chung quanh trong cuộc sống mỗi ngày.
Phương pháp tu đơn giản này cũng là phương tiện hữu hiệu giúp cho sự tự lực của chính mình thoát khỏi những hố sâu của tội lỗi, bằng việc tự chánh niệm. Bởi vì Chánh niệm là ánh sáng tỉnh thức để giúp cho tâm, thấy, biết, nhận định, được ý nghĩa tốt đẹp của sự sống, bằng cách biết sống đạo đức, qua bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả sẳn có trong lòng mỗi người.
Khi niệm Phật hiệu, cần thành tâm niệm, chuyên tâm niệm, không mong cầu sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không mong cầu sẽ được vãng sinh hay không vãng sinh. Khi niệm Phật hiệu đã chuyên nhất, nhất tâm bất loạn rồi, một niệm thay vạn niệm, trong đầu không còn ý nghĩ gì khác, thì câu niệm Phật hiệu mới chấn động đến thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, thì mới được Ngài tiếp dẫn vãng sinh vào cõi Cực Lạc. Mà để đạt được niệm Phật hiệu nhất tâm bất loạn là công phu tu trì lâu dài, luôn luôn giữ giới, tu tâm, từ bỏ mọi ý nghĩ xấu dù là nhỏ nhất. Nhiều người phải trải qua nhiều kiếp, nhiều đời tu hành mới đạt được. Tuy nhiên, thường xuyên niệm Phật hiệu cũng là gieo cái nhân kính Phật, Phật sẽ gia trì gặp cơ duyên tu luyện cao thâm, có khả năng đắc Đạo trong đời này hoặc kiếp sau.
Tâm Như