Tôi thường xuyên theo dõi mục Khoa học Phong Thủy của quý báo và rất tâm đắc với các lý giải khoa học và thực tế. Tôi xin hỏi rõ hơn về khái niệm Trung Cung, mục đích tìm Trung Cung và các giải pháp phong thủy liên quan đến Trung Cung ra sao?Hồ Hữu Bảy – K12 khu phố 5, khu dân cư Bình Hòa
Ta hay nghe nói đến Trung Cung nhưng khái niệm này có nhiều lý giải khác nhau. Có quan niệm cho rằng Trung Cung phải là một điểm chính xác, phải định vị thật chuẩn bằng các dụng cụ “nhà nghề”. Hoặc cho rằng Trung Cung là một phòng trang trọng ở giữa nhà (xuất phát từ chữ Cung) mang tính linh thiêng để đặt bàn thờ… Thực ra, Trung Cung không phức tạp và huyền bí đến mức như vậy. Trung Cung là khái niệm phong thủy để chỉ một khu vực trung tâm nằm trong không gian sống cơ bản của ngôi nhà (hoặc rộng hơn là miếng đất, vùng đất).
Trung Cung không hẳn là một điểm phải thật chính xác mà chỉ mang tính tương đối và tùy thuộc thực tế. Xác định Trung Cung nhằm tạo tiền đề tiếp tục phân chia các khu chức năng theo phương vị trước – sau – trái – phải, theo các hướng (Khí Hậu, Giao Tiếp, Mệnh Trạch). Theo quy trình phong thủy, tại Trung Cung sẽ đặt la bàn để chia phương vị Cát Hung cho các phần khác nhau của ngôi nhà (hay miếng đất), sau đó tiếp tục bố trí các hình dáng, kích thước của phòng ốc theo các bước từ tổng quát đến chi tiết.
Có nhiều cách xác định Trung Cung từ dân gian cho tới hiện đại, chủ yếu là tìm ra một chỗ tại trung tâm của khu vực ở (có thể là căn phòng hay ngôi nhà). Với những hình thể đơn giản, vuông vức thì việc xác định Trung Cung tương đối dễ dàng, như một ngôi nhà hình chữ nhật thì Trung Cung là giao điểm của hai đường chéo (Hình 1).
Nhưng khi ngôi nhà hay miếng đất có hình dạng méo mó, lồi thụt hoặc có “mẩu thịt dư” thì cần đánh giá toàn diện xem phần nào là phần chính để chỉ cần tìm Trung Cung của phần chính đó. Ví dụ một ngôi nhà hình chữ L (hình 2) thì gia chủ và nhà thiết kế cần hình dung bố cục sử dụng không gian sẽ lấy phần nào là chính. Thông thường thì phần trước hay dùng làm sân vườn, chỗ để xe… nên phần chính của ngôi nhà này thực chất là phần sau.
Cũng nên cân nhắc xem ngôi nhà sẽ chừa khoảng sân thông thoáng ở phía sau và ở phía góc chữ L, do đó sẽ xác định được Trung Cung của không gian chính, từ đấy bố trí tiếp tục những khu chức năng khác để vừa hài hòa phong thủy vừa đảm bảo tính hợp lý khoa học. Qua ví dụ trên ta thấy, kiến thức về phong thủy rất cần thiết cho gia chủ và người thiết kế từ lúc ban đầu hình thành ý tưởng ngôi nhà, chứ không đơn thuần là mời “thầy địa lý” đến dùng con lắc chấm điểm Trung Cung như một số ngộ nhận mê tín.
Vì Trung Cung liên quan chặt chẽ đến phân cung điểm hướng nên tìm Trung Cung phải căn cứ theo Tọa Hướng của Thổ Trạch (đã trình bày ở các bài trước).
Có được Trung Cung, gia chủ sẽ định hình vị trí các không gian chức năng xoay quanh Trung Cung đó. Trong ngôi nhà xưa, tại Trung Cung thường bố trí bàn thờ gia tiên vì đây là nơi có nóc nhà cao nhất, trước Trung Cung là bộ bàn ghế tiếp khách (đối ngoại), sau và hai bên Trung Cung là các chỗ ở – sinh hoạt của gia đình (đối nội). Cũng chính vì kế thừa truyền thống mà trong ngôi nhà hiện đại Trung Cung là nơi phù hợp đặt bàn thờ hay phòng thờ, mặc dù không nhất thiết phải đặt dưới tầng trệt.
Với nhà ống trong phố thị, ánh sáng và không khí thường bị thiếu và tù hãm ở khoảng giữa nhà, do đó phần Trung Cung của nhà phố rất dễ bị tối tăm, ảnh hưởng đến Trường Khí toàn nhà. Giải pháp đơn giản là tạo giếng trời, khoảng thông tầng tại khu vực Trung Cung để vừa giải quyết độ thông thoáng (hình 3) vừa tránh tình trạng đặt phòng vệ sinh, kho hay các không gian xấu vào Trung Cung. Một số nhà phố muốn có phòng ngủ dưới trệt thường xếp phòng ngủ ở khoảng giữa để đẩy khu bếp ra phía sau, nhưng cách này không những làm phòng ngủ tọa tại Trung Cung (không phù hợp về phương vị) thiếu dưỡng khí, lại khiến cho lối đi ra phía sau xuyên qua cạnh phòng ngủ.
Tóm lại, cần tránh đặt các không gian đóng kín vào vị trí Trung Cung mà nên tận dụng khoảng trống giữa nhà này làm không gian chuyển tiếp, có thể là sân trời (kiểu như nhà ống Hà Nội hoặc Hội An), làm sân cây cảnh hoặc nơi trà đạo, thư giãn kế bên phòng ăn. Trung Cung cũng hay được kết hợp với cầu thang để giúp phân bố giao thông đều, tránh hành lang quá dài. Khi nhà có điều kiện diện tích rộng như biệt thự hay nhà vườn không cần làm giếng trời, Trung Cung sẽ là nút giao thông trong nhà, nhưng cần chú ý bố trí bình phong hay vách ngăn tại chỗ thích hợp tránh tình trạng thông suốt trước sau (hình 4). Vị trí bình phong nên căn cứ theo phương vị cửa chính để ngăn Xung Sát từ ngoài xâm nhập.
HOÀI AN