Hoàng Tuấn Công
○ “thượng đẳng sợ kẻ bất đẳng (Thượng đẳng là người bậc trên, bất đẳng là ngỗ ngược) Ý nói: Người cấp trên sợ những kẻ ngỗ ngược, liều lĩnh”.
Thực ra, “thượng đẳng” là kẻ thuộc tầng lớp giàu có, quyền thế; “bất đẳng” là kẻ không có vai vế gì, không thuộc đẳng cấp nào, nghĩa là thành phần bần cùng trong xã hội nói chung. Vì là “bất đẳng” nên không có gì để mất, hay làm điều liều lĩnh, không cần biết đến đạo lí, tôn ti trật tự (như Bá Kiến phải sợ Chí Phèo). Câu đồng nghĩa: Vua thua thằng liều; Sợ kẻ liều thân, không sợ người ỷ thế; Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Tục ngữ Hán: “Quang cước bất phạ xuyên hài đích – 光腳不怕穿鞋的 – Chân đất không sợ chân giày”. Mười năm sau, trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân lại giải thích: “Thượng đẳng sợ kẻ bất đẳng:Ý nói người cấp trên mà không ra gì, thì phải sợ cả kẻ tầm thường: Vì lão ta ăn hối lộ nên thượng đẳng sợ kẻ bất đẳng”, cách giải thích này càng sai thêm.
○ “ti hí mắt lươn Tả người mắt không được mở to”.
Không đúng. “Mắt không được mở to”, khác với mắt nhỏ, ti hí như mắt lươn. Mặt khác, phép xem tướng của dân gian cho rằng, người ti hí mắt lươn là tướng trộm cắp, đĩ điếm: “Những người ti hí mắt lươn, Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người”, chứ không phải đơn thuần tả người mắt nhỏ, càng không phải “tả người mắt không được mở to”.
○ “tiếc thay một đoá trà mi, con ong đã tỏ đường đi lối về Nói một người con gái đẹp đã lọt vào tay một kẻ tầm thường”.
Hai câu thơ trên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, không biết căn cứ vào đâu mà GS Nguyễn Lân xếp vào thành ngữ, tục ngữ?
○ “tiến thoái lưỡng nan (Nghĩa đen: Tiến và lùi hai đường cùng khó) Nói sự băn khoăn trước một sự việc không biết có nên tiến hành hay không”.
Đây là một câu không khó, GS Nguyễn Lân đã dịch và hiểu đúng “nghĩa đen”, vậy mà vẫn giải thích sai ý nghĩa thành ngữ. Nghĩa mà GS Nguyễn Lân giảng chính là từ “lưỡng lự” 兩慮, Từ điển Vietlex giảng như sau: “lưỡng lự 兩慮 đg. ở trong trạng thái còn đang suy tính xem nên hay không nên, chưa biết quyết định như thế nào cho đúng: “Tôi bỗng đâm ra lưỡng lự không biết đối xử với con chó này như thế nào, bỏ nó lại, hay là mang nó đi?” (Kim Lân). Đn: do dự, đắn đo, phân vân”.
Còn “Tiến thoái lưỡng nan” 進退兩難, tức là đã tiến hành công việc rồi, nhưng ở thế bế tắc, tiếp tục làm (tiến) cũng khó, mà rút lui (thoái) cũng khó. Trong khi “băn khoăn trước một sự việc không biết có nên tiến hành hay không”,là công việc chưa tiến hành, đang còn có thể rút lui được. Hán điển (zidic.net): “Tiến thoái lưỡng nan: Tiến về phía trước cũng khó, mà lui về phía sau cũng khó. Hình dung lâm vào hoàn cảnh khốn khổ, bế tắc, tựa như thế cưỡi hổ”. (nguyên văn: “進退两難 jìntuì-liǎngnán [up a gum tree] 前進也難, 後退也難. 形容陷于困境和僵局, 騎虎難下-tiến thoái lưỡng nan:Tiền tiến dã nan, hậu tiến dã nan. Hình dung hãm vu khốn cảnh hoà cương cục, kỵ hổ nan hạ). Nghĩa là: Bách khoa (baike.baidu) giải thích như sau: “Tiến thoái lưỡng nan: Tiến về phía trước và lui về phía sau đều khó, ví tình cảnh không có cách nào giải quyết được, vì khó hành động, hoàn cảnh rất khốn khổ”. (nguyên văn: “進退兩難: 前進和後退都難, 比喻事情無法決定, 因而以難行動, 外境困難-Tiến thoái lưỡng nan: Tiền tiến hoà hậu tiến đô nan, tỉ dụ sự tình vô pháp quyết định, nhân nhi dĩ nan hành động, ngoại cảnh khốn nạn”).
○ “tiếng ong tiếng ve Chỉ những lời chê trách chế giễu xôn xao về hành vi, cử chỉ của người nào”.
Đúng ra là Lời ong, tiếng ve,hoặc Điều ong tiếng ve chứ không phải “Tiếng ong, tiếng ve”. Dân gian thường chú trọng vần vè, đăng đối, tạo hiệu quả cho cách nói, không phải nôm na thế nào cũng xong, bởi vậy không nên tự ý thay đổi.
○ “tím như quả bồ quân Tức là: Có màu tím lắm. Thường dùng để tả mặt một người đương bực tức”.
Không đúng. “Màu tím lắm” là màu thế nào? Màu tím của quả bồ quân là màu tím bầm, giống như màu máu tụ lại. Thế nên, những vết thương phần mềm bị sưng tấy, thâm lại, cũng thường được ví thâm tím như quả bồ quân. Còn bộ mặt giận dữ (chứ không phải “bực tức”) cũng hay được ví với quả bồ quân: Giận tím mặt, hoặc, Giận mặt tím như quả bồ quân. Có ai nói là “Bực tím mặt” đâu!
○ “tốt giống tốt mạ, tốt mạ, tốt lúa Nói sự cần thiết phải chọn giống thóc tốt mà gieo thì mới có năng suất cao. Nói rộng ra là có nguyên nhân tốt thì kết quả mới tốt”.
Giải thích chưa được. Câu tục ngữ này không chỉ nói đến tầm quan trọng của việc “chọn giống thóc tốt”nói chung, mà nhấn mạnh sự cần thiết phải thâm canh mạ: giống tốt, thì mạ sẽ tốt; mạ có tốt, thì lúa mới tốt. Mạ thâm canh, có đầy đủ chất dinh dưỡng, đanh dảnh, cứng cây; khi đem cấy, lúa sẽ nhanh bén rễ hồi xanh, đủ điều kiện chống chọi với thời tiết bất thuận (giá rét vụ xuân và nắng nóng ở vụ mùa) sinh trưởng nhanh, kháng sâu bệnh. Ngược lại, nếu mạ thiếu dinh dưỡng, dảnh mạ bị lướt, ốm yếu; khi đem cấy dễ bị chết rét, hoặc chết do nắng nóng hoặc còi cọc, sâu bệnh dễ xâm nhập gây hại. Thế nên tục ngữ Việt còn có các câu nhấn mạnh tầm quan trọng của thâm canh ngay ở giai đoạn mạ như: “Thưa mạ tốt lúa”,“Nhất ruộng, nhì mạ, thứ ba chuyên cần”. Tục ngữ Mường: “Muốn ăn cơm chăm mạ, muốn ăn cá chăm ao” (Moành ăn cơm chăm má, moành ăn cà chăm đấm côống ao)”; “Mạ vãi thưa, ruộng cấy dày” (Má quải sưa, trưa cần ráy)”. Tục ngữ Tày: “Khôn thì chăm sóc cây mạ, dại thì chăm sóc ruộng” (Quai chướng chả, vả chướng nà)”; “Ruộng tốt là do mạ tốt, con bụ bẫm chóng lớn là do sữa mẹ (Nà đây nhoòng chả lủc mả nhoòng nồm)”. Tục ngữ Hán: “Mẹ khoẻ, con khoẻ; mạ tốt, lúa tốt – Nương hảo, nám hảo, ương hảo, đạo hảo – 娘好, 囡好, 秧好, 稻好”.
Cuối cùng, hình thức đúng của câu tục ngữ là “Tốt giống, tốt má...” chứ không phải “Tốt giống, tốt mạ…”. “Má” (tiếng Việt cổ) chính là mạ, nhưng chỉ khi viết đúng theo cách gieo vần của dân gian “Tốt giống, tốt má, tốt mạ tốt lúa”, mới thấy hết được sự giàu đẹp của tiếng Việt.
○ “trai anh hùng, gái thuyền quyên (Thuyền quyên là người đàn bà xinh đẹp) Nói những nam nữ thanh niên xứng đáng với nhau”.
Đúng ra là: trai tài gái sắc gặp nhau, đẹp đôi phải lứa, chứ không phải “xứng đáng với nhau”. Từ điển sao giải nghĩa quá nôm na vậy?
○ “trạng chết trẫm cũng băng hà (Nhắc lại một truyền thuyết về Trạng Quỳnh; trẫm là vua tự xưng) Ý nói: Làm hại người ta thì mình cũng sẽ khổ”.
Lại thêm một trường hợp râu ông nọ cắm cằm bà kia. Nếu không có chú thích rõ ràng của soạn giả “trẫm là vua tự xưng”, người ta sẽ nghĩ đây là lỗi đánh máy, “chúa” đánh nhầm thành “trẫm”. Câu tục ngữ này chính xác phải là “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, chứ không phải “trẫm cũng băng hà”. Có “trẫm” nào mà lại tự mình nói gở như vậy? Đây là cái sai thường thấy của GS Nguyễn Lân mỗi khi giải thích thành ngữ, tục ngữ liên quan đến điển cố điển tích. Nghĩa là soạn giả không kê cứu điển tích, mà chỉ nhắc sơ qua một câu, không đầu không đũa. Bởi vậy, nhiều trường hợp soạn giả chỉ nhớ mang máng, rồi chép ra theo trí nhớ.
Tục ngữ “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, vốn bắt nguồn từ câu chuyệndân gian cùng tên như sau: Sau vụ bị Trạng Quỳnh chơi xỏ, cho ăn canh rau cải tưới bằng nước đái, cá rô nuôi bằng cứt của Trạng, nhà Chúa đâm ra thâm thù. Thế nên, Chúa mới vờ cho mời Quỳnh vào phủ hầu yến, để đánh thuốc độc. Quỳnh đoán biết lành ít dữ nhiều, nên lúc đi mới dặn vợ con: “Ta có mệnh hệ nào, thì không được phát tang ngay, cứ để ta vào võng, cắt hai đứa quạt hầu, rồi gọi nhà trò về hát, đợi bao giờ phủ Chúa phát tang thì ở ngoài hãy phát tang”. Dặn xong, lên võng đi. […] Quỳnh biết Chúa thù về vụ canh cải hôm nọ, nhưng không ăn không được. Quỳnh vừa nếm một miếng, thì Chúa hỏi: “Bao giờ Quỳnh chết?” Quỳnh thưa: “Bao giờ Chúa băng hà thì Quỳnh cũng chết”. Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khang khác, cáo xin về. Vừa về đến nhà thì tắt hơi. Vợ con cứ theo lời Quỳnh dặn mà làm. Chúa sai người dò xem Quỳnh có việc gì không, thấy Quỳnh đương nằm võng nghe nhà trò hát, mà người nhà thì đi lại vui vẻ như thường, bèn về tâu với Chúa. Chúa liền đòi đầu bếp lên hỏi xem đánh thuốc thế nào mà Quỳnh không việc gì. Chúa ăn thử, được một chốc thì lăn ra chết. Nhà Quỳnh nghe thấy trong dinh Chúa phát tang, thì ở nhà cũng phát tang. Người đời về sau có câu: “Trạng chết chúa cũng băng hà, Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”,nghĩa bóng ý nói: Các mối quan hệ thường có sự ràng buộc, kẻ này gặp nguy khốn thì kẻ khác cũng chẳng được yên; Hại nhân nhân hại.
○ “trăm tội đổ đầu nhà oản(Ngày xưa người dân phải lần lượt đóng oản đem ra cúng ở đình, để bọn cường hào chia nhau hưởng)”.
GS Nguyễn Lân không hiểu “nhà oản” là gì nên mới phỏng đoán như vậy. Ngày xưa, các đám làm chay cầu siêu, cầu phúc bao giờ cũng ngăn một buồng riêng, kín đáo, trong đó để sẵn đồ lễ, phẩm vật…do một hoặc hai người phục trách, gọi là “nhà oản”. Chỗ làm “nhà oản” còn gọi là “buồng chay”. “Chay” chính là chữ “trai” 齋, nghĩa là phòng (như “thư trai” 書齋 – phòng riêng xem sách). Cái chái ngoài, cái nhà riêng để ở trong lúc sắp tế lễ cũng gọi là trai 齋 (chữ trai 齋, còn có nghĩa là “chay tịnh”). Khi cầu cúng không thấy linh nghiệm, hoặc hiện tượng “hoá bầu hương” (bát hương bốc cháy), người ta đổ lỗi cho “nhà oản” làm điều không tốt như thiếu sạch sẽ, ăn bớt đồ lễ, v.v. hoàn toàn không phải“Ngày xưa người dân phải lần lượt đóng oản đem ra cúng ở đình, để bọn cường hào chia nhau hưởng”như cách giải thích phỏng đoán của GS Nguyễn Lân.